MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hà Minh Huệ. Ảnh: Xuân Hải

Loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”!

Xuân Hải (thực hiện) LDO | 03/08/2020 15:50

Thời gian gần đây, nhiều phóng viên, nhà báo bị công an các địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hoá, Bà Rịa- Vũng Tàu bắt quả tang về hành vi cưỡng đoạt tiền, “tống tiền” doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo cả nước. Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, ông Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, những phóng viên lợi dụng vị thế của mình, của cơ quan báo chí để “làm tiền” doanh nghiệp là điều không thể chấp nhận. Dù họ là thiểu số nhưng phải loại bỏ hết những “con sâu làm rầu nồi canh”! 

Hành vi vi phạm đạo đức người làm báo, vi phạm pháp luật

Ông Hà Minh Huệ cho biết: Việc một số nhà báo, phóng viên có hành vi cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp là việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, cần phải xử lý thích đáng. Những nhà báo đó, không những không thực hiện đúng trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, mà còn làm những việc sai trái, không xứng đáng đứng trong đội ngũ những người làm báo. Những phóng viên lợi dụng vị thế của mình để làm tiền, thu lợi bất chính là điều không thể chấp nhận được. Dù họ là thiểu số trong đội ngũ hơn 24.000 người làm báo trong cả nước, nhưng đã gây ảnh hưởng xấu đến đội ngũ những người làm báo. Có lúc người ta đổ lỗi cho cơ chế kinh tế thị trường thúc đẩy con người ta tìm cách kiếm tiền một bất chính, nhưng không, đây là sự suy đồi về đạo đức của bản thân một số phóng viên, là sự buông lỏng quản lý của những tổ chức mà họ là thành viên. 

 Cụ thể là gì thưa ông?

- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các cơ quan quản lý báo chí, dư luận xã hội và báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều. Tôi đúc kết, rút ra những kết luận thế này. Thứ nhất là người vi phạm đã suy thoái về đạo đức, ham hố những món tiền bất chính mà họ lợi dụng danh nghĩa người làm báo có thể kiếm được bất chấp quy chuẩn đạo đức, quy định của pháp luật. Họ đã cố tình dọa nạt những người mà họ tìm đến để viết tin, bài hòng chiếm đoạt những món tiền lớn. Thứ hai, cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí, tổ chức Hội Nhà báo cơ sở chưa làm tốt chức năng và nhiệm vụ quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các thành viên của mình. 

Trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí

 Vậy, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chủ quản cũng như lãnh đạo của cơ quan báo chí trong các trường hợp này thế nào thưa ông? 

- Như đã nói ở trên, các cơ quan chủ quản cũng như lãnh đạo của cơ quan báo chí cũng phải chịu trách nhiệm một phần về việc để xảy ra tình trạng phóng viên của mình vi phạm pháp luật. Đảng đã có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu rồi, thì rõ ràng ở đây cũng có thể quy trách nhiệm như thế. 

Luật Báo chí năm 2016, trong các điều, khoản quy định về nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và của người đứng đầu cơ quan báo chí cũng đã khẳng định họ có trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí (Điều 15) và trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí (Điều 24). Do đó, để phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật thì rõ ràng các thể chế này chưa thực hiện đúng luật, nên cũng phải chịu trách nhiệm. 

Phải quý trọng, giữ gìn danh hiệu Nhà báo

 Để ngăn chặn tình trạng phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật, theo ông cần phải có những giải pháp như thế nào?

- Theo tôi, để ngăn chặn trình trạng phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật, trước hết phải có những giải pháp phòng ngừa, ngay từ khâu tuyển chọn đến việc đào tạo, quản lý phóng viên, đồng thời có những hình thức xử lý mang tính răn đe thích đáng. 

Trước hết, cơ quan báo chí phải tuyển chọn phóng viên theo những tiêu chí phù hợp và luôn quan tâm giáo dục đạo đức và nghiệp vụ báo chí. Thứ hai là phóng viên, nhà báo phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Thứ ba là cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí tăng cường công tác đào tạo, giáo dục, có những biện pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Tổ chức Hội Nhà báo các cấp phải giám sát, ngăn ngừa, chứ không phải chỉ theo dõi để xử phạt hậu vi phạm. Theo tôi, điều đáng quan tâm là xem xét lại việc cho phép Văn phòng Đại diện cơ quan báo chí Trung ương đóng tại địa phương có quyền tuyển, cấp Giấy Chứng nhận, Thẻ phóng viên cho những người chưa là nhà báo đi tác nghiệp.

Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là chủ thể phóng viên, nhà báo, họ phải biết quý trọng, tôn trọng danh hiệu Nhà báo, tôn trọng pháp luật, dấn thân để phục vụ xã hội, vì sự phát triển của đất nước. Tôi rất thích câu nói của cố Nhà báo Hữu Thọ nhân một dịp ông gặp gỡ các nhà báo trẻ. Ông chúc nhà báo luôn “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, tức là phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm, có năng lực nghề nghiệp. 6 chữ ngắn gọn này bao hàm nhiều nội dung nhà báo phải phấn đấu suốt đời. Mong rằng đội ngũ nhà báo chúng ta luôn trong sạch, loại bỏ hết những “con sâu làm rầu nồi canh”.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn