MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Loạn giá dịch vụ xe cấp cứu: DN ngoài công lập nói gì?

NHÓM PV LDO | 27/02/2022 17:00
Hà Nội – Hiện nay, dù nhiều hãng xe cấp cứu vận chuyển người bệnh được cấp phép hoạt động, nhưng không có bảng giá chung quy định phí loại hình dịch vụ này, dẫn đến tình trạng loạn giá, thậm chí người bệnh bị ép giá cước.

Như Lao Động đã đưa tin về tình trạng nhiều người nhà bệnh nhân phản ánh giá dịch vụ xe cấp cứu ở Hà Nội không thống nhất, mức phí dịch vụ cao trong thời gian qua. Việc thành phố chưa có quy định cụ thể về giá cước xe cấp cứu tư nhân cũng khiến họ không có nhiều sự lựa chọn và bị ép giá cước. Ngoài ra, khi phát sinh tranh chấp mâu thuẫn, cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có căn cứ, cơ sở nào để làm rõ đúng sai. Qua đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ngày 27.2, ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển người bệnh Bắc Việt (hãng xe cấp cứu vận chuyển ngoài công lập, trong câu chuyện mà Lao Động đã đăng tải về tình trạng “loạn giá cước dịch vụ xe cấp cứu”) đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề này.

Theo ông Huy, đối với việc vận chuyển người bệnh trên địa bàn Hà Nội, Bắc Việt chia làm 3 khu vực: Khu vực 1 là 650.000 đồng, khu vực 2 là 1,2 triệu đồng và khu vực 3 từ 1,5 - 1,8 triệu đồng. Theo đó, khu vực 1 là các quận trung tâm, khu vực 2 là các quận quanh Hà Nội nhưng có khoảng cách xa hơn, khu vực 3 là các quận ngoại thành. Ngoài ra, mức giá có thể thay đổi theo yêu cầu cung cấp dịch vụ của khách hàng. 

“Chúng tôi quy định trên xe có 2 đến 3 người tham gia tùy theo yêu cầu. Giá sẽ thống nhất với khách hàng trước khi vận hành và dựa trên khung giá quy định”, ông Huy nói.

Khi được hỏi về mức phí dịch vụ khá cao mà đơn vị đang áp dụng khiến người dân băn khoăn, Giám đốc Công ty Bắc Việt cho biết, về các đơn vị công lập như Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, chắc chắn được hỗ trợ toàn bộ đầu tư ban đầu, phương tiện, nhân lực. Còn các đơn vị ngoài công lập sẽ phải chủ động không được hỗ trợ, nhất là trong điều kiện khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tự chi phí thuê mặt bằng, nhân sự, đầu tư phương tiện, các loại chi phí phát sinh nên khó tránh khỏi mức phí dịch vụ cao hơn.

Cũng theo ông Trần Quốc Huy, thời gian qua cách ly và giãn cách nhiều, nguồn nhân lực khan hiếm và phải san sẻ chống dịch tại nhiều tỉnh thành, đã gây khó khăn khi vận hành hệ thống, các quy trình kiểm nghiệm ngặt nghèo hơn làm tăng chi phí phát sinh tăng cao.

Cũng liên quan đến vấn đề này, để khắc phục tình trạng loạn giá xe cứu thương, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: "Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều hãng xe vận chuyển người bệnh được cấp phép hoạt động, tuy nhiên thành phố mới chỉ quy định bảng giá đối với Trung tâm Cấp cứu 115 thuộc Sở Y tế Hà Nội. Không có khung giá chung sẽ dẫn đến tình trạng giá dịch vụ không thống nhất và người dân bị ép giá từ các đơn vị cung cấp".

"Tình trạng này kéo dài không được pháp luật quy định, cơ quan nhà nước quản lý sẽ tạo lỗ hổng và cơ hội để các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ xe cấp cứu trục lợi trên người bệnh", luật sư Nghĩa khẳng định.

Theo vị luật sư, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần kết hợp để đưa ra một mức giá khung, mức giá ngạch đối với giá dịch vụ xe cấp cứu ngoài bệnh viện. Đồng thời, cơ quan quản lý tăng cường giám sát, thẩm định cơ sở khám chữa bệnh, xe cấp cứu có đảm bảo điều kiện khi lưu, cung cấp dịch vụ tránh xảy ra tình trạng xe trôi nổi, xe gắn chữ thập đỏ giả danh xe cứu thương để trục lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn