MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người mắc bệnh mãn tính ở Yên Bái khổ sở vì bệnh viện liên tục thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Ảnh: Đại Long

Loạt bệnh viện than khó khi hơn 7.000 tỉ đồng bảo hiểm y tế chưa quyết toán

Lệ Hà LDO | 17/11/2023 12:55

Theo thống kê sơ bộ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) 63 tỉnh, thành phố, tổng số tiền cơ quan BHXH chưa quyết toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là hơn 7.000 tỉ đồng do vượt định mức chi dự toán.

Hàng loạt cơ sở y tế, sở y tế cho biết việc chưa được quyết toán BHYT gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Đơn cử, Sở Y tế Bình Định cho biết số tiền khám, chữa bệnh BHYT vượt tổng mức chưa được quyết toán tại địa phương này là 42 tỉ đồng.

Tại TP Cần Thơ, Sở Y tế cũng cho hay còn 10 tỉ BHYT chưa quyết toán.

Bệnh viện Trung ương Huế cho biết số tiền BHYT chưa quyết toán là 57 tỉ đồng. Một số bệnh viện tại TP HCM bị BHYT từ chối thanh toán 1.400 tỉ đồng vì vượt quá tổng mức thanh toán.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu ý kiến: Tồn dư quỹ BHYT lớn, nhưng việc thanh toán BHYT cho các bệnh viện rất khó khăn.

Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp dịch vụ cho 3 nhóm đối tượng: Người có thẻ BHYT, người không có BHYT và dịch vụ theo yêu cầu. Trong đó, nhóm người có BHYT chiếm hơn 65%. Bệnh viện cung cấp dịch vụ cho người có BHYT theo mức giá dịch vụ được cơ quan nhà nước ban hành, trong khi BHXH thanh toán cho bệnh viện này theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh đã được giám định hằng tháng, hằng quý và quyết toán hằng năm theo mức tổng hợp.

Như vậy, tổng mức thanh toán phụ thuộc vào số lượt khám chữa bệnh, chi phí bình quân theo nhóm bệnh của năm trước liền kề, nên công việc thanh toán gần giống như trường hợp bệnh. Phần vượt tổng mức thanh toán sẽ không được thanh toán mà phải chờ dẫn đến bệnh viện bị giảm nguồn thu.

Nhiều bệnh viện cũng cho hay việc chậm quyết toán khám, chữa bệnh BHYT khiến các bệnh viện chậm trễ trong việc chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc, … dẫn đến các nhà thầu cung ứng nhỏ giọt, chậm cung ứng, điều này cũng gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.

Tình trạng trên diễn ra từ năm 2019, khi BHXH thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các bệnh viện theo phương thức tổng mức thanh toán. Cách tính toán này căn cứ theo công thức hướng dẫn trong Nghị định 146, ban hành năm 2018 của Chính phủ. Cụ thể, hàng quý BHXH thực hiện giám định và tạm quyết toán cho các bệnh viện được xác định theo số lượng, giá dịch vụ y tế; các chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ đã sử dụng cho bệnh nhân.

Khi quyết toán năm, cơ quan BHXH lại căn cứ vào tổng mức thanh toán (được xác định dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước liền kề). Trên thực tế tại các cơ sở thì tổng chi phí khám chữa bệnh của năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng mức thanh toán khám chữa bệnh BHYT thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà các cơ sở đã sử dụng cho bệnh nhân.

Người bệnh tại khu vực phát thuốc bảo hiểm y tế. Ảnh: Đình Trọng

Sẽ tháo gỡ

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1.1.2019. Các chi phí vượt tổng mức thanh toán xác định theo Nghị định 146 từ năm 2019 đến năm 2020 và năm 2022 sẽ được rà soát để thanh toán lại.

Hiện BHXH Việt Nam đang yêu cầu BHXH các tỉnh rà soát, tổng hợp, đánh giá, giám định để tiến hành thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn