MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bưu điện văn hóa xã được xây dựng ở vị trí đắc địa nhưng do xuống cấp, đã kéo tụt mỹ quan của các địa phương. Ảnh: Bảo Nguyên

Loạt bưu điện văn hóa xã ở Yên Bái cần nâng cấp

Bảo Nguyên LDO | 26/07/2024 06:00

Do hạ tầng xuống cấp và ít được quan tâm nên nhiều điểm bưu điện văn hoá xã của tỉnh vùng cao Yên Bái đang hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa.

Nằm giữa vùng quê nông thôn mới đang trong hành trình tiến tới kiểu mẫu, bưu điện văn hóa xã Văn Phú, TP Yên Bái ngày một cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng.

Theo quan sát, tường nhà, nền nhà, mái lợp đã lâu không được tu sửa, có thể bong bất cứ lúc nào. Phía bên trong, bàn ghế và các vật dụng đều có tuổi đời lên tới hơn 20 năm.

Bưu điện văn hóa xã Văn Phú, TP Yên Bái vắng vẻ giờ mở cửa. Ảnh: Bảo Nguyên

Tương tự, tại xã Tân Thịnh, TP Yên Bái, bưu điện văn hóa xã nằm bên lối vào trụ sở ủy ban nhưng có dấu hiệu xuống cấp và liên tục cửa đóng then cài.

Lãnh đạo xã Tân Thịnh cho biết, liên tiếp trong các kỳ tiếp xúc cử tri, vấn đề điểm bưu điện văn hóa xã đều được các cử tri đề cập. Thậm chí, đã có văn bản kiến nghị tại các cuộc họp của HĐND 3 cấp tới Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Yên Bái về việc sớm di dời hoặc cải tạo lại các điểm bưu điện văn hoá xã đã xuống cấp.

Bưu điện văn hóa xã Tân Thịnh, TP Yên Bái đóng cửa trong giờ hành chính. Ảnh: Bảo Nguyên

Cũng theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều huyện thị trong tỉnh Yên Bái.

Ở xã Tân Thịnh, huyện Yên Bình, bưu điện văn hóa xã được xây dựng khoảng 20 năm nay nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa, dẫn đến cảnh xuống cấp, nhếch nhác.

Một số khối bê tông hư hỏng, trần nhà bị nứt, thấm dột; cửa chính, cửa sổ bị mối mọt...

Tòa nhà bưu điện văn hóa xã Tân Thịnh, huyện Yên Bình xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Bảo Nguyên

Một số bưu điện văn hóa xã khác chỉ mở cửa 4 giờ/ngày, lượng người dân đến giao dịch thưa thớt, hạn chế về dịch vụ kinh doanh bưu chính, viễn thông.

Từ một “thiết chế văn hóa”, điểm sáng của ngành bưu điện hiện nay bưu điện văn hóa xã đang là những “điểm trừ” của mỗi địa phương trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao hoặc nông thôn mới kiểu mẫu.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bưu điện tỉnh Yên Bái - cho biết: Sau khi sáp nhập một số xã, hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 140 điểm bưu điện văn hóa xã.

Theo kế hoạch, năm nay, ngành bưu điện sẽ sửa chữa khoảng 40 bưu điện văn hóa xã và tiếp tục nâng cấp, cải tạo những điểm xuống cấp.

Bưu điện văn hóa xã còn là điểm bán lẻ hàng tiêu dùng phục vụ người dân. Ảnh: Bảo Nguyên

“Việc này cần lộ trình bởi mức độ cải tạo, nâng cấp mỗi điểm khác nhau. Chưa kể một số xã vùng sâu, vùng xa chi phí vật liệu tăng cao nên không thể sửa chữa hết ngay được. Ước tính sẽ cần khoảng 300 triệu đồng để cải tạo mỗi bưu điện văn hóa xã”, Giám đốc Bưu điện tỉnh Yên Bái thông tin.

Cũng theo bà Hương, bên cạnh khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, ngành bưu điện sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống để bưu điện văn hóa xã trở thành trung tâm hành chính công tại địa bàn xã.

Đây cũng là nơi chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu; tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội; thu tiền điện, tiền nước và bán lẻ hàng tiêu dùng phục vụ người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn