MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng cây phượng trên đường D5 thuộc khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, quận Bình Tân đang trong tình trạng trụi lủi. Ảnh: Hữu Chánh

Loạt cây xanh ở TPHCM chỉ còn lại phần thân sau cắt tỉa

HỮU CHÁNH LDO | 03/08/2023 08:26

Hàng chục cây xanh ở quận Bình Tân, Bình Thạnh bị cắt trụi cành, còn trơ lại thân cây khiến người dân bất ngờ và bức xúc.

Người dân bất bình

Theo ghi nhận của Lao Động, 12 cây phượng nằm trong khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Sangri-La, quận Bình Tân bị cắt hết cành, có cây chỉ còn lại thân cao 3-5 m. Trên thân lác đác vài chồi mới mọc lại. Hầu hết phần gốc các cây đều còn tươi tốt, không có dấu hiệu mục hoặc sâu bệnh.

Hàng cây phượng còn thân cây sau khi bị cắt hết nhánh ở khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, quận Bình Tân.
Một cây phượng trơ thân và chỉ có vài lộc non mới mọc lại.

Chị Nguyễn Thị Thanh (35 tuổi, quận Bình Tân) thường di chuyển qua đây cho biết, hàng cây phượng tại đây được mang từ nơi khác đến trồng nhiều năm trước. Việc cắt tỉa thường được tiến hành định kỳ vài năm một lần để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Thân cây cao, tán cây tỏa ra, xum xuê lá che bóng mát cho người đi đường trước khi có tốp công nhân đến để tỉa cành. Đến khi họ làm xong, chị Thanh bất ngờ vì hàng cây bị cắt "trụi không khác gì cột điện".

"Mới đây thôi hàng cây còn xanh mát mơn mởn, nay đi qua nhìn trơ trụi không nhận ra luôn. Tôi cảm thấy xót xa!" - chị Thanh nói.

Hàng cây đang trong tình trạng trụi lủi sau khi được cắt tỉa.

Còn bà Lê Thị Thành sinh sống gần đó cũng bức xúc vì hàng cây bị cắt cụt hết cành. Việc cắt tỉa cành cụt ngủn trông rất kỳ cục, mất thẩm mỹ, đồng thời làm mất chức năng toả bóng mát.

Cách đó hơn 15 km, hơn chục cây me tây, đường kính từ 30-50 cm nằm trong công viên Thanh Đa, Phường 27, quận Bình Thạnh cũng bị cắt tỉa đề phòng mưa bão. Theo ghi nhận, nhiều cây chỉ còn nhánh thô ráp, trông thiếu sức sống xen kẽ những cây lớn vẫn còn nguyên cành lá...

Hàng cây me tây ở công viên Thanh Đa, quận Bình Thạnh trơ trọi sau khi được cắt tỉa.

Bà Hoàng Thị Lan bán hàng ăn uống gần khu vực cho biết, những cây me này phủ tán rộng che bóng mát cho người dân đi bộ, tập thể dục, người bán hàng ở chợ Thanh Đa... đã nhiều năm nay. Vài ngày trước, có người đến tỉa cành, nhưng khi xong việc, cây chỉ còn trơ trọi những nhánh to.

"Vào cao điểm mùa mưa bão, việc cho cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn là hợp lý. Thế nhưng việc cắt tỉa cũng nên có lộ trình để che mát hai bên đường chứ không nên cắt trụi, bởi phải mất mấy năm cây mới lớn cho bóng mát được như vậy" - người phụ nữ 55 tuổi nói.

Cần tính biện pháp phù hợp

Theo hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên tổ chức, cá nhân do Sở Xây dựng TPHCM ban hành, việc cây xanh bị cắt trụi lá là không đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, mất an toàn và mỹ quan.

Cây xanh bị cắt trụi dễ sinh ra nhiều chồi bất định, khi phát triển thành cành cây có liên kết yếu, rất dễ gãy, tét gây mất an toàn.

Cắt trụi cây xanh như vậy gọi là cắt thấp.
Loạt cây xanh bị cắt tỉa mất hoàn toàn chức năng bóng mát.

Theo PGS.TS Chế Đình Lý - nguyên Phó Viện Trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong chuyên môn, cắt trụi cây xanh như vậy gọi là cắt thấp. Tuy nhiên, kỹ thuật này thông thường chỉ áp dụng với những cây còn nhỏ để quá trình phát triển thêm các nhánh sau đó được đồng đều, chiều cao cũng phù hợp.

"Việc cắt trụi cây xanh chỉ áp dụng cho một số loại cây nhanh đâm chồi và chỉ triển khai vào đầu mùa mưa. Khi cây mọc cành mới, cành không to nên sẽ đảm bảo an toàn và công nhân chăm sóc không phải cắt tỉa nhiều lần" - PGS.TS Chế Đình Lý cho hay.

Cũng theo chuyên gia, việc đảm bảo an toàn đề phòng cây xanh ngã đổ vẫn là yêu cầu tiên quyết, nhưng tùy khu vực và chủng loại cây, đơn vị cắt tỉa cần khảo sát, tính biện pháp phù hợp không ảnh hưởng đến khả năng phát triển, phục hồi của cây cũng như mỹ quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn