MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) có khoảng 42 cơ sở chế biến mực xà tự phát. Ảnh: Hoài Luân

Loạt cơ sở chế biến mực xà gây ô nhiễm nghiêm trọng ở Bình Định

Hoài Phương LDO | 24/04/2024 06:44

Cứ vào mùa nắng nóng, người dân sống quanh khu vực đầm Đề Gi (còn gọi là đầm Đạm Thủy) thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định lại phải hít mùi hôi thối do chất thải từ các cơ sở sản xuất, chế biến mực xà gây ra. Tình trạng này đã diễn ra dai dẳng nhiều năm, thế nhưng đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.

Dân mắc bệnh vì sống cùng ô nhiễm

Hiện tại trên địa bàn xã Cát Khánh có 42 hộ dân đang hoạt động sản xuất, sơ chế mực xà, hầu hết là cơ sở chế biến tự phát, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở thôn An Quang Đông và An Quang Tây (xã Cát Khánh).

Bà Nguyễn Thị B (SN 1969, trú xã Cát Khánh - hộ dân nuôi thủy hải sản) - cho hay, tình trạng các cơ sở chế biến mực xà xả nước, chất thải ra đầm Đề Gi diễn ra đã nhiều năm nay, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, đời sống của người dân khu vực.

“Khoảng 3 năm trở lại đây, khu vực này trở nên ô nhiễm nặng. Nhiều người nhập viện liên tục vì mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm xoang, đau đầu do sống chung với mùi hôi thối nhiều năm. Nhà tôi sinh sống bằng nghề nuôi thủy hải sản mà giờ không làm ăn gì được, vì nguồn nước lấy vào để nuôi tôm cá đã bị ô nhiễm” - bà B bức xúc nói.

Trao đổi với Lao Động, ông Đinh Thành Tiến - Chủ tịch UBND xã Cát Khánh - cho biết, tình trạng các hộ dân hoạt động sơ chế mực xà tự phát đã diễn ra nhiều năm qua. Địa phương đã nhiều lần nhắc nhở cũng như xử phạt, tuy nhiên rất khó để xử lý triệt để.

"Vừa rồi, địa phương đã xử phạt hơn 30 cơ sở chế biến mực xà, số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng, nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa nộp phạt. Công tác xử lý hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, vì đây là nghề mưu sinh bao đời nay của họ. Trong vài ngày tới, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại để vận động bà con chuyển đổi nghề. Trường hợp nào muốn tiếp tục sản xuất, chế biến mực xà thì phải đăng ký xử lý môi trường. Đối với cơ sở vẫn cố ý hoạt động xẻ mực, không tuân thủ quy định, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm" - ông Tiến nói.

Nước thải, chất thải từ các cơ sở chế biến mực xà được đổ thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý. Ảnh: Hoài Luân

Sẽ kiên quyết xử lý

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cho biết, hoạt động sơ chế mực xà trên địa bàn thôn An Quang Đông và An Quang Tây đã diễn ra trong thời gian dài. Các cơ sở này không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, nước thải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, sau khi sơ chế, các cơ sở này phơi mực ra ngoài tự nhiên, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân.

"Nhiều năm qua, từ UBND huyện cho đến xã đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, kể cả việc đề nghị Ban quản lý Cảng cá Bình Định không tiếp nhận các phương tiện chở mực xà không rõ nguồn gốc nhập vào Cảng cá Đề Gi để cung cấp cho các chủ cơ sở chế biến… Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, có thời điểm còn diễn biến phức tạp hơn. Quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý dứt điểm theo quy định pháp luật, không vì lợi nhuận của một nhóm hộ mà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con khu vực, gây mất an ninh trật tự tại địa phương" - ông Hưng cho hay.

Ông Hưng cũng yêu cầu, UBND xã Cát Khánh tăng cường tuyên truyền, vận động, đề nghị các hộ dân đang hoạt động sơ chế biến mực xà ký cam kết chấm dứt hoạt động nếu không đảm bảo các quy định. Trường hợp đã ký cam kết nhưng tiếp tục cố tình hoạt động, vi phạm thì tịch thu, tiêu hủy.

Chủ tịch UBND huyện Phù Cát yêu cầu Phòng TNMT huyện rà soát lại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu còn hiệu lực thì phối hợp với UBND xã Cát Khánh và các cơ quan liên quan xây dựng phương án tổ chức cưỡng chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn