MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các dự án vệ tinh của Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đang gặp vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất. Ảnh: THANH TUẤN

Loạt dự án bệnh viện ở Gia Lai vướng thủ tục đất đai, quy hoạch

THANH TUẤN LDO | 23/01/2024 06:56

Không chỉ Bệnh viện Bình An Gia Lai có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng bị vướng mắc về thủ tục đất đai, quy hoạch sử dụng đất mà một số dự án đầu tư bệnh viện khác cũng gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, chờ đợi sự giải quyết rốt ráo, quyết liệt từ UBND tỉnh Gia Lai...

Sốt ruột chờ điều chỉnh quy hoạch

Gia Lai đang thu hút, kêu gọi đầu tư bệnh viện tư nhân quy mô lớn để đảm bảo cho nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, cũng như trong khu vực bắc Tây Nguyên.

Hiện các bệnh viện tư nhân quy mô như Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, Bệnh viện Mắt quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai… thu hút nguồn lực đầu tư lớn cùng số lượng đông đảo nhân viên ngành Y tế.

Theo ông Nguyễn Thi - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai (thuộc Công ty TNHH Phát triển Y học Việt), bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nhưng với 300 giường bệnh thì chưa đủ so với nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.

“Chúng tôi đề nghị được đầu tư xây dựng 3 bệnh viện vệ tinh tại huyện Đức Cơ, Chư Sê và thị xã An Khê. Mục đích của các bệnh viện vệ tinh này là khám chữa bệnh cho người dân tại địa phương, đồng thời có thể sàng lọc những ca bệnh khó, bệnh nặng để kịp thời đưa lên Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai điều trị”.

Tuy nhiên, hiện các dự án đều gặp vướng mắc, khó khăn về quy hoạch sử dụng đất.

Năm 2021, Công ty TNHH Phát triển Y học Việt đã gửi văn bản đề nghị đầu tư dự án Bệnh viện Hùng Vương Chư Sê đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai. Dự án đã hoàn thành việc lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan về việc bổ sung dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai.

Dự án xây dựng bệnh viện dự kiến quy mô 150 giường bệnh, diện tích 3,7ha tại Quốc lộ 14, làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê đã được phê duyệt vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Chư Sê bằng Quyết định số 473/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai.

Đại diện UBND huyện Chư Sê cho biết, dự án đang thực hiện hồ sơ điều chỉnh từ đất thương mại dịch vụ sang đất y tế, giáo dục. Huyện Chư Sê đã gửi văn bản gửi cho Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai để xin ý kiến.

Hiện Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai phản hồi rằng, đang chờ công văn hướng dẫn chi tiết từ Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính nên tạm thời chưa thực hiện được công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng nói trên tại xã Ia Glai.

Bệnh viện Bình An Gia Lai trước nguy cơ phá sản vì vướng thủ tục pháp lý, chưa được giao đất, cho thuê đất. Ảnh: THANH TUẤN

Cần sự quyết liệt từ chính quyền

Còn tại huyện Đức Cơ, Công ty TNHH Phát triển Y học Việt gửi văn bản đăng ký đầu tư dự án Bệnh viện Hùng Vương Đức Cơ đến UBND huyện Đức Cơ ngày 12.11.2021.

UBND huyện Đức Cơ có văn bản trả lời thông báo dự án chưa đủ điều kiện để bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nguyên nhân do diện tích đất thực hiện dự án tại thị trấn Chư Ty chưa được điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng từ đất thương mại dịch vụ sang đất y tế để thực hiện. Vì đất thuộc thị trấn nên phải trình UBND tỉnh Gia Lai xem xét đồng ý phương án điều chỉnh.

UBND huyện Đức Cơ đề xuất chuyển vị trí thực hiện dự án về khu đất tại xã Ia Kriêng, thuận tiện cho công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chung của huyện. Khu đất có diện tích khoảng hơn 4ha. Dự kiến, sẽ bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2024.

Thời gian qua, Bệnh viện Bình An Gia Lai cũng gây xôn xao dư luận địa phương khi chủ đầu tư đòi kiện chính quyền, UBND tỉnh Gia Lai do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Dù có chủ trương chấp thuận đầu tư của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng chủ đầu tư vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất để Bộ Y tế cấp phép đưa bệnh viện đi vào hoạt động. Trong khi đó, doanh nghiệp đã rót vốn hàng trăm tỉ đồng vào trang thiết bị y tế, xây dựng hoạt động khám chữa bệnh, tuyển dụng nhân viên y tế...

Thiếu thủ tục pháp lý, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bệnh viện Bình An Gia Lai - xót xa khi hệ thống trang thiết bị y tế trị giá hàng trăm tỉ đồng trùm mền. Trong khi, hằng tháng, công ty vẫn bỏ ra chi phí hơn 100 triệu đồng để thuê bảo vệ, bảo trì trông coi, bảo quản.

“Qua nhiều cuộc làm việc với sở, ngành, UBND tỉnh Gia Lai, doanh nghiệp vẫn chưa biết đến bao giờ được làm thủ tục giao đất, cho thuê đất để bệnh viện đi vào hoạt động, khám chữa bệnh cho người dân. Nếu tỉnh Gia Lai không tháo gỡ các khó khăn về thủ tục, doanh nghiệp sẽ kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư” - ông Nguyễn Văn Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn