MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
3 tuyến ĐH1, ĐH2 và ĐH5 ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam được đầu tư sửa chữa gần 400 tỉ đồng. 3 năm qua, tiến độ rất chậm. Ảnh: Hoàng Bin

Loạt dự án trăm tỉ đồng liên tục trễ hẹn tại Quảng Nam gây bức xúc

Hoàng Bin LDO | 29/12/2023 07:03

Nhiều dự án giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tổng kinh phí hơn 100 tỉ đồng, đang trong tình trạng dang dở, chậm tiến độ, thậm chí có nhà thầu đã “bỏ chạy”, gây bức xúc trong nhân dân và tăng nguy cơ đội vốn.

Loạt dự án trăm tỉ đồng trễ hạn

Sắp hết năm 2023 nhưng công trường dự án “Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, huyện Duy Xuyên” dài hơn 4km, tổng mức đầu tư gần 250 tỉ đồng vẫn ngổn ngang. Dự án này được triển khai từ năm 2019, dự kiến, đầu tháng 4.2023 hoàn thành. Nhưng đến nay, công trình chỉ đạt hơn 55% khối lượng rồi “đắp chiếu”, vật liệu thi công nằm phơi nắng, mưa, gỉ sét.

Theo lãnh đạo huyện Duy Xuyên, nguyên nhân dự án phải tạm dừng thi công là do trên địa bàn và các huyện lân cận đang khan hiếm nguồn đất đắp và vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Với lý do tương tự, loạt dự án trăm tỉ khác như cầu Tam Tiến ở huyện Núi Thành, đường ĐH 8 ở huyện Bắc Trà My, 3 tuyến ĐH1, ĐH2 và ĐH5 lên huyện miền núi Phước Sơn cũng đang thi công ì ạch, chưa hẹn ngày hoàn thành.
Thậm chí, theo UBND huyện Bắc Trà My, liên danh nhà thầu là Công ty Thanh Sơn - Thái Dương đã không có sự phối hợp trong biện pháp thi công, bố trí nhân lực, cán bộ kỹ thuật không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu đối với đường ĐH 8 (giá trúng thầu gần 110 tỉ đồng).

Quá bức xúc, huyện này đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam xin tạm dừng dự án, làm rõ trách nhiệm và vi phạm của nhà thầu (nếu có) và chọn nhà thầu khác thi công.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Lao Động, do thi công cầm chừng, nên sau mỗi mùa mưa bão, sạt lở nghiêm trọng, hiện trạng các tuyến giao thông trọng điểm có giá trị trăm tỉ đồng ở khu vực miền núi gần như tan nát, đe dọa ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hộ dân, phát sinh thêm khối lượng so với thiết kế.

Tại buổi họp báo ngày 25.12, trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về năng lực và trách nhiệm của các nhà thầu sau khi “ôm” nhiều dự án trăm tỉ đồng rồi liên tục trễ hạn, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, hiện tại trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thi công tương đối chậm. Tỉnh sẽ siết chặt hoạt động đấu thầu, để loại bỏ những nhà thầu kém năng lực, đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án trọng điểm.

Cầu Tam Tiến ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có kinh phí 220 tỉ đồng, hiện đã chậm tiến độ hơn 1 năm. Ảnh: Hoàng Bin

Cần mạnh tay xử lý

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, ngay từ đầu năm 2023, tại Quảng Nam xảy ra tình trạng giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến, gây ra hiện tượng khan hiếm giả, dù trong thực tế, qua rà soát lại quy mô các mỏ thì Quảng Nam đủ đáp ứng nhu cầu thi công. Điều này dẫn đến các chủ đầu tư và đơn vị thi công càng làm càng lỗ, nên có tình trạng giãn tiến độ thi công.

Thực tế, công tác bồi thường GPMB cũng là một trở ngại lớn dẫn đến tiến độ thi công chậm chạp của các dự án trọng điểm. Đơn cử như dự án cầu Thanh Nam (TP Hội An) bắc qua sông Thu Bồn có tổng mức đầu tư hơn 337 tỉ đồng. Đơn vị thi công dự án này nhiều lần đề xuất với địa phương về việc bàn giao mặt bằng nhưng vẫn chưa có kết quả, bất đắc dĩ họ phải xin tạm dừng thi công.

Hậu quả là dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 8.2023, nhưng đến nay vẫn dang dở, còn nhà thầu thì ngán ngẩm vì càng kéo dài lâu, họ càng thua lỗ bởi giá nguyên vật liệu tăng cao, uy tín địa phương cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Nhận thấy khuyết điểm này thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ban, ngành, địa phương đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trạng các công trình để đôn đốc, tháo gỡ tiến độ GPMB bị chậm trễ kéo dài - ông Nguyễn Hồng Quang cho hay.

Liên quan đến năng lực của các nhà thầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương làm việc với nhà thầu, yêu cầu thực hiện theo đúng tiến độ hợp đồng đã được cấp phép. Đơn vị nào làm sai thì đơn vị ấy chịu trách nhiệm. Vi phạm đến mức độ nào thì chúng tôi sẽ căn cứ theo hợp đồng xử lý”.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương rà soát lại quy hoạch mỏ, bổ sung thêm mỏ để tổ chức đấu thầu...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, liên tiếp nhiều năm qua tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Nam không đạt kế hoạch, dẫn đến nhiều dự án trọng điểm có vốn lớn không thể giải ngân được, tiến độ thi công ì ạch ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân vùng dự án. Ước giải ngân đầu tư công năm 2023 khoảng 7.137 tỉ đồng, chỉ đạt 71% kế hoạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn