MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện Biên hiện có 8/14 hồ thủy lợi đã đến kỳ kiểm định nhưng chưa được kiểm định do chưa có kinh phí. Ảnh: Thanh Bình

Loạt hồ đập ở Điện Biên đến hạn nhưng chưa kiểm định

THANH BÌNH LDO | 06/06/2022 12:50

Điện Biên – Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 14 hồ thủy lợi với tổng dung tích hơn 64,5 triệu mét khối nước. 8 trong số đó đã đến kỳ kiểm định nhưng chưa thể thực hiện được.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Điện Biên, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 15 hồ thủy lợi, trong đó 14 hồ đã đưa vào khai thác với tổng dung tích hơn 64,5 triệu mét khối. Tuy nhiên, nhiều hồ thủy lợi đã bị bồi lắng, công trình đập bị hư hỏng, xuống cấp, giảm công năng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... trong khi địa phương lại thiếu kinh phí.

Để đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, vừa qua Sở NNPTNT Điện biên đã đề nghị Tổng cục Thủy lợi quan tâm xem xét, trình Chính phủ bố trí nguồn vốn cho địa phương này để thực hiện sửa chữa nâng cấp các hồ thủy lợi và thực hiện các nội dung về quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Duyên – Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên (Công ty thủy nông Điện Biên) cho biết, hiện nay công ty được giao quản lý, vận hành, khai thác 13 hồ chứa nước thủy lợi. Đối với những hư hỏng nhỏ thì đã được đơn vị tiến hành sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn vốn Trung ương, như: Hồ Pa Khoang, Bản Ban, Sái Lương, Hồng Sạt, Bồ Hóng.

Đập đầu mối công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Còn việc kiểm định, cắm mốc và nạo vét thì hiện nay chưa có kinh phí để thực hiện. "Theo quy định kinh phí này được trích từ nguồn thu thủy lợi phí, tuy nhiên từ năm 2013 đến nay nguồn thu thủy lợi phí vẫn giữ nguyên trong khi các mặt hàng khác đều tăng chóng mặt, do vậy nguồn thu chỉ đủ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp" - Ông Duyên cho biết thêm 

Theo ông Nguyễn Văn Duyên, hiện nay đơn vị này đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá tình trạng các hồ chứa nước, nhất là các công trình đầu mối quan trọng và xây dựng phương án phòng, chống lũ phù hợp. Bằng đánh giá trực quan thì hiện không có công trình nào trong tình trạng mất an toàn.

Đơn vị quản lý thì cho biết như vậy, nhưng trên thực tế thì phần lớn các hồ đập được đầu tư từ lâu, một số hồ chứa đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng dẫn đến dung tích trữ nước bị hạn chế, không đảm bảo như thiết kế. Bên cạnh đó, có 8/14 hồ chứa đã đến kỳ kiểm định nhưng chưa được tổ chức kiểm định nên chưa thể đánh giá chính xác được mức độ an toàn của các công trình.

Lòng hồ Pá Khoang.

Bên cạnh đó, hiện nay có 11 hồ chứa đã đến kỳ điều chỉnh quy trình vận hành nhưng chưa được thực hiện; mới chỉ có 3/14 hồ được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành và 6/14 hồ có thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập. Ngoài ra, các hồ: Pe Luông, Bản Ban, Hồng Khếnh và Na Hươm đã xuất hiện tình trạng thấm nước và lún nhẹ ở phần thân đập…

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT Điện Biên, do nguồn ngân sách của địa phương hạn chế nên chưa có kinh phí để thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định về quản lý an toàn hồ, đập, gây khó khăn cho công tác quản lý.

"Sở NNPTNT đã đề nghị Tổng cục Thủy lợi quan tâm xem xét, trình Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện sửa chữa nâng cấp các hồ thủy lợi và thực hiện các nội dung về quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn”, vị lãnh đạo cho hay.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, để thực hiện kiểm định 8 công trình hồ đập trên sẽ hết khoảng gần 20 tỉ. Trong đó tùy theo dung lượng hồ, mỗi hồ dao động từ hơn 1 đến 3 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn