MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả một khu du lịch sinh thái được xây dựng trong phạm vi bảo vệ hồ thủy lợi Kim Đĩnh (TP Phổ Yên, Thái Nguyên).

Loạt hồ thủy lợi ở Thái Nguyên bị xâm lấn, vì sao khó xử lý dứt điểm?

Nguyễn Tùng LDO | 02/11/2022 10:00

Những vụ việc xâm lấn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hồ thủy lợi tại Thái Nguyên được đánh giá là nghiêm trọng và tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. Không chỉ vậy, đây còn có thể tạo thành tiền lệ xấu, uy hiếp trực tiếp đến công tác vận hành, an toàn hồ đập.

Vi phạm kéo dài

Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng hồ thủy lợi Suối Lạnh tại xã Thành Công (TP Phổ Yên) bị xâm hại nghiêm trọng khi nhiều vạn khối đất đá được đổ xuống lấn chiếm hàng nghìn m2 mặt nước để xây dựng công trình đồ sộ.

Vụ việc bắt đầu từ cuối năm 2020 và kéo dài nhiều năm trước sự bức xúc của người dân. Vi phạm đã được chỉ ra nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm trong khi những hạng mục xâm lấn hồ Suối Lạnh tiếp tục được hoàn thiện như thách thức pháp luật.

Vi phạm xây dựng, lấn chiếm hồ thủy lợi Suối Lạnh (xã Thành Công, TP Phổ Yên) đến nay chưa được xử lý dứt điểm. 

Thông tin tới PV, ông Ngô Thượng Hoan - Trạm trưởng trạm khai thác thuỷ lợi Phổ Yên khẳng định, đến thời điểm hiện tại việc vi phạm tại hồ Suối Lạnh vẫn chưa được xử lý. Các công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn giữ nguyên hiện trạng.

Theo ông Hoan: "Trạm chỉ có chức năng khai thác, vận hành chứ không thể xử lý, xử phạt. Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo hiện trạng, đề nghị TP Phổ Yên xử lý nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Những vụ việc này nếu không được làm nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu, các vi phạm khác sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của công trình thủy lợi".

Nhiều hạng mục xây dựng, xâm lấn trực tiếp hồ Kim Đĩnh. 

Trong khi đó, hồ thủy lợi Kim Đĩnh (xã Bá Xuyên, Phú Bình) cũng trong tình trạng bị xâm lấn nghiêm trọng khi cả một khu du lịch sinh thái được công khai xây dựng và hoạt động trong phạm vi bảo vệ suốt từ năm 2012 đến nay. 

Theo ghi nhận của PV thời điểm ngày 31.10, mọi hoạt động trong khu du lịch sinh thái hồ Kim Đĩnh diễn ra bình thường. Thường trực tại đây luôn có người quản lý, bán vé tham quan, cung cấp các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ qua đêm.

Nhiều hạng mục được xây dựng kiên cố ngay bên cạnh hồ như nhà sàn, khu đón tiếp khách, khu chụp ảnh, khu vui chơi giải trí. Một bể bơi lớn cùng cây cầu dài được xây dựng đua ra lòng hồ để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Những nhà hàng với sức chứa cả trăm người được xây lấn ra mặt nước bằng cách đóng các trụ cọc bê tông kiên cố xuống lòng hồ Kim Đĩnh. 

Người quản lý tại đây cho biết, khu sinh thái này do Công ty CP tư vấn và chuyển giao công nghệ Quốc tế ICT đầu tư. Hiện vẫn hoạt động bình thường, đông nhất là vào cuối tuần, có  ngày đón tiếp đoàn khách lên tới hơn 200 người.

Không đủ thẩm quyền xử lý

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Tân Kim khẳng định, khu sinh thái hồ Kim Đĩnh là một vi phạm xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã nhiều năm. Nhưng thẩm quyền cũng chỉ dừng ở mức lập biên bản.

Chính quyền địa phương chỉ quản lý được về mặt con người khi họ tổ chức cho khách ngủ nghỉ qua đêm cho khách thì phải làm tạm trú tạm vắng. Thẩm quyền xác đinh vị phạm đến đâu, xử phạt ra sao do các cấp cao hơn.

Ông Hiệp thông tin: "Từ năm 2012 đến giờ cũng phải hàng chục lần lập biên bản ngăn chặn việc xây dựng nhưng họ vẫn tiếp tục. Đến hiện tại, Công ty ICT này không cung cấp bất cứ giấy tờ gì liên quan đến cấp phép hoạt động hay xây dựng gì cho chính quyền địa phương".

Các công trình kiên cố được ngang nhiên xây đua ra lòng hồ Kim Đĩnh phục vụ kinh doanh. 

Theo ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, những hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi đã gây khó khăn cho công tác điều tiết nước, quản lý, khai thác các công trình.

Ông Thái cho rằng, tình trạng vi phạm các công trình thuỷ lợi ngày càng phức tạp. Mặc dù là đơn vị trực tiếp quản lý vận hành nhưng Công ty lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi. 

Rất cần sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Những vụ việc tồn đọng cần giải quyết nhanh chóng, xử lý nghiêm không để tạo tiền lệ cho các vi phạm mới ảnh hưởng tới an toàn cho các công trình thủy lợi.

Có nhờn luật?

Chỉ trong 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 142 vụ vi phạm bảo vệ công trình thuỷ lợi như lấn chiếm xây dựng trái phép công trình, xây dựng nhà cửa, lều quán, san ủi đổ đất đá xuống lòng hồ...

Công ty TNHH Một thành viên khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công 142 vụ, gửi công văn đề nghị chính quyền địa phương xử lý 103 vụ.

Tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn thường xuyên xảy ra, với mức độ phức tạp và quy mô khác nhau ở tất cả các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn