MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Trường CĐYT tỉnh Quảng Nam liên tiếp hụt thu, phải đóng cửa và nợ lương người lao động. Ảnh: Hoàng Bin

Loạt sai phạm ở bệnh viện công Quảng Nam, người lao động bị nợ lương kéo dài

Hoàng Bin LDO | 07/11/2023 06:44

Nhiều bệnh viện công tại Quảng Nam vi phạm trong quản lý tài chính khiến tồn đọng nợ hàng tỉ đồng. Hậu quả dẫn đến tình trạng nợ lương người lao động (NLĐ) kéo dài, thậm chí có đơn vị buộc phải đóng cửa.

Nhiều NLĐ bị nợ 9 tháng lương

Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) tỉnh Quảng Nam thành lập cuối năm 2017, trên cơ sở nâng cấp Phòng khám Đa khoa Trường CĐYT tỉnh và được giao quyền tự chủ về tài chính.

Từ năm 2019, do tình hình hoạt động khó khăn, số lượng bệnh nhân giảm sút, bệnh viện liên tiếp hụt thu, không đủ bù chi, dẫn đến phải đóng cửa từ ngày 15.1.2023, hiện còn nợ hơn 9 tháng lương của 22 NLĐ (khoảng 800 triệu đồng), có 21/22 lao động chưa được trả nợ lương đã bị cho nghỉ việc.

Đơn vị chủ quản của bệnh viện này là Trường CĐYT tỉnh cũng đã nợ 4 tháng lương (từ tháng 7 - 10.2023) của 114 NLĐ đang công tác tại đơn vị, tổng số tiền hơn 3,8 tỉ đồng.

Trả lời Báo Lao Động, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng kiêm Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Trường CĐYT tỉnh - cho biết: “Bệnh viện đã chi vượt trần, vượt tổng mức khám chữa bệnh BHYT, vượt dự toán qua các năm 2016-2020 với số tiền hơn 12 tỉ đồng nhưng gặp vướng trong thanh toán quỹ BHXH trả lại cho bệnh viện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viện nợ lương và phải tạm dừng hoạt động ngày 15.1.2023”.

Tương tự, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh cũng đang nợ hơn 4 tỉ đồng, gồm 4 tháng tiền lương và BHXH, khiến 136 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế kêu cứu. Quy mô Bệnh viện có 247 giường bệnh nội trú nhưng hiện chỉ có hơn 80 bệnh nhân. Tình trạng nợ, chậm lương cũng xảy ra đối với Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ nhiều tháng qua.

Nhiều sai phạm về quản lý

Theo lý giải của các bệnh viện, từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, UBND tỉnh Quảng Nam trưng dụng bệnh viện làm cơ sở điều trị COVID-19, khiến tâm lý bệnh nhân e ngại không đến khám, dẫn đến nguồn thu đơn vị giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của các đơn vị còn có nguyên nhân từ vai trò điều hành, quản lý và sai phạm trong quản lý sử dụng tài chính.

BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, trong số tiền hơn 12 tỉ đồng mà Bệnh viện Đa khoa Trường CĐYT tỉnh đã chi vượt trần, vượt tổng mức khám chữa bệnh BHYT, vượt dự toán qua các năm 2016-2020, chỉ có khoảng 541 triệu đồng được xác định là do nguyên nhân khách quan, BHXH đã khấu hao vào nợ của bệnh viện. Số tiền còn lại, bệnh viện này đã thanh toán sai quy định nên không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Đầu tháng 4.2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam thi hành kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, đối với tập thể Đảng ủy Trường CĐYT tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, cùng nhiều cá nhân liên quan đến vi phạm quy chế làm việc của Đảng ủy, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để xảy ra vi phạm quy định về quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản.

Đối với Bệnh viện YHCT tỉnh Quảng Nam, qua các đợt thanh tra từ năm 2018 đến 2019, Kiểm toán Nhà nước khu vực III và Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý tài chính, chi sai, yêu cầu thu hồi tổng cộng 5,2 tỉ đồng.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế - cho biết, sở đang tiếp tục đôn đốc Bệnh viện YHCT tỉnh khắc phục, thu hồi số tiền sai phạm. Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh đã vào cuộc thanh tra toàn diện những sai phạm tại bệnh viện.

Việc nợ lương và BHXH kéo dài tại Trường CĐYT Quảng Nam và Bệnh viện YHCT tỉnh đã khiến đời sống của NLĐ gặp rất nhiều khó khăn, phải kêu cứu các cấp hỗ trợ. Phía Công đoàn tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh can thiệp, hỗ trợ giải quyết nợ lương để đảm bảo đời sống cho NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn