MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến Cơ sở đăng ký xe số 2 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) để làm thủ tục định danh biển số. Ảnh: Khánh An

Loạt vướng mắc khi làm biển số xe định danh

KHÁNH AN LDO | 18/08/2023 09:28

Tại Hà Nội, những ngày đầu triển khai định danh biển số xe xảy ra tình trạng nghẽn mạng, hệ thống chưa cập nhật. Một số người dân phải ra về vì chưa nắm rõ các quy định mới.

Nghẽn mạng, lỗi hệ thống

Nắm bắt được thông tin qua các phương tiện truyền thông nên trước khi đến trụ sở công an phường để đăng ký xe máy, anh H.V.T (Ba Đình, Hà Nội) đã đăng nhập vào Cổng dịch vụ công và kê khai thông tin trong giấy khai đăng ký xe. Sau đó, anh ký vào giấy khai đăng ký xe và nhận mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến.

Tuy nhiên khi đến giải quyết hồ sơ để thực hiện bấm biển vào sáng ngày 17.8, anh H.V.T cho biết, hệ thống trực tuyến quá tải, nhiều lúc không thể truy cập. Do thời gian thực hiện kéo dài, anh phải quay lại trong buổi chiều để bấm biển.

Anh H.V.T đánh giá, việc kê khai thông tin online giúp người dân tự chủ động hoàn thiện các giấy tờ còn thiếu, tiết kiệm thời gian. Thế nhưng, hệ thống cần nâng cấp, hoàn thiện hơn để tránh xảy ra tình trạng lỗi hệ thống.

Tương tự, anh Đặng Ngọc Quyền - nhân viên một showroom tại quận Hà Đông - cho biết, anh đến Cơ sở đăng ký xe số 2 (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) để làm thủ tục cấp biển số định danh cho xe ôtô mới của khách hàng. Anh bắt đầu thực hiện khai thông tin trên Cổng dịch vụ công lúc 8h và nhận được tin nhắn thông tin đã được cập nhật lên hệ thống.

Thế nhưng sau 3 tiếng đợi, anh vẫn được các cán bộ của cơ sở đăng ký xe thông báo “dữ liệu chưa đẩy về hệ thống của công an nên chưa có hồ sơ để bấm biển”.

Trong khi đó, một số người dân gặp vướng mắc khi làm biển số định danh với xe cũ. Anh Nguyễn Văn Điệp (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, đã mua lại chiếc xe cũ từ cách đây 1 năm, song thời điểm đó, giữa bên mua và bên bán chỉ làm hợp đồng ủy quyền.

Đến khi đến làm thủ tục sang tên đổi chủ, anh được hướng dẫn phải liên lạc với chủ xe cũ để chủ xe cũ và chủ xe mới cùng có mặt tại cơ sở đăng ký xe. Tuy nhiên từ lâu anh đã không còn liên lạc với chủ xe cũ.

Nhiều cửa hàng bán ôtô tại Hà Nội cho biết, mặc dù đã làm các thủ tục khai báo nhưng dữ liệu chưa đẩy về hệ thống của công an nên chưa có hồ sơ để bấm biển. Ảnh: Minh Độ

Cán bộ CSGT hỗ trợ người dân

Trao đổi với Lao Động, trung tá Tạ Quang Minh (Cơ sở đăng ký xe số 2, đội đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, từ ngày 15.8, các trường hợp xe làm thủ tục đăng ký mới vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có một số thay đổi với các phương tiện làm thủ tục sang tên, cấp đổi hoặc thu hồi biển số xe.

Một số người lại gặp khó khăn trong vấn đề đăng nhập Cổng Dịch vụ công Bộ Công An. Tuy nhiên, nhờ có bảng hướng dẫn, cũng như hỗ trợ từ CSGT nên các chủ phương tiện cũng hoàn thành thủ tục trực tuyến.

Cũng theo trung tá Tạ Quang Minh, do người dân chưa cập nhật thông tin nên có rất nhiều trường hợp phải ra về. Phần lớn là do thủ tục chưa đầy đủ, đảm bảo, hoặc các phương tiện chưa thể chụp ảnh, scan lên cổng dịch vụ công. Đối với những trường hợp này, công an đã hướng dẫn đầy đủ để cho người dân hiểu rõ.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) - cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an lấy người dân làm trung tâm phục vụ, làm nguồn lực, động lực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thì Thông tư 24/2023 đảm bảo được 3 điểm mới so với các thông tư trước đây.

Cụ thể, thứ nhất, mỗi người dân có số định danh cá nhân để gắn với biển số xe của mình. Qua đó nâng cao được quyền của chủ phương tiện, nâng cao ý thức tự giác khi tham gia giao thông và phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước.

Thứ hai, người dân có thể đăng ký xe ở nơi thường trú, tạm trú. Tức là người dân có căn cước công dân đều có thể đăng ký xe được tại nơi đó. Và cuối cùng là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, Bộ Công an đã tiến hành số hóa hồ sơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn