MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bỏ hoang, có thời điểm thành nơi chăn thả lợn. Ảnh: Diệu Anh

Loay hoay giải bài toán công sở bỏ hoang

Nhóm PV LDO | 31/08/2023 08:00

Công điện số 771/CĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên, đây vẫn đang là bài toán nan giải ở nhiều địa phương, trong đó có Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh…

Tiền tỉ xây xong, bỏ không

Là địa phương có số lượng đơn vị cấp xã huyện thuộc diện sáp nhập giai đoạn 2019-2021 lên tới 27 đơn vị, Thanh Hoá đang có số lượng trụ sở dôi dư lên tới gần 800 trụ sở.
Điều đáng nói toàn bộ gần 800 cơ sở nhà đất (đã được UBND Thanh Hoá phê duyệt chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý) này đa phần còn nguyên giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và đang còn khả năng sửa chữa cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương các công trình đang còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.

Điển hình có thể phải kể đến UBND xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương) được đầu tư gần 6 tỉ đồng xây trụ sở năm 2018 gồm nhà làm việc 2 tầng diện tích sàn khoảng 585m2 trên tổng diện tích đất hơn 3.000m2.

Trụ sở đang xây dở (hoàn thành phần thô 2 tầng) thì có quyết định sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc. Trụ sở dang dở bỏ không, trong đó, có thời điểm một vài hộ dân còn tận dụng trụ sở để… chăn lợn.

Còn tại Ninh Bình, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến tháng 7.2023, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng số 2.786 cơ sở, nhà đất thuộc đối tượng, phạm vi phải sắp xếp lại và xử lý theo quy định. Trong đó, có 2.505 cơ sở đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại và xử lý theo quy định.

"Toàn tỉnh Ninh Bình hiện còn 121 cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, trường học, trạm y tế... đang bỏ hoang vì chưa có phương án xử lý, trong đó cấp tỉnh có 5 cơ sở và cấp huyện, xã là 117 cơ sở" - đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình cho hay. Trong khi đó, ở Hà Tĩnh, giai đoạn 2019-2021, tỉnh này đã sáp nhập được 80 xã còn lại 34 xã; toàn tỉnh có 262 đơn vị hành chính xuống còn 216 đơn vị. Điều này dẫn đến thừa nhiều trụ sở bỏ hoang.

Trụ sở cũ của Trung tâm Da liễu tỉnh Ninh Bình bỏ hoang nhiều năm sau khi Trung tâm này được sáp nhập về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

Phải xử lý xong trước 30.9.2023

Theo Sở Tài chính Hà Tĩnh, đối với quá trình xử lý những công sở cũ này, về trình tự các bước quản lý, lập phương án đấu giá đất sau thu hồi rất dài, đòi hỏi nhiều thời gian. Quá trình thực hiện, nếu phát sinh công việc phải thuê tư vấn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, lập chủ trương đầu tư Dự án nhà ở, xác định giá đất cụ thể, định giá, sau đó mới trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí, lập hồ sơ mời thầu, trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu… Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, Sở Tài chính Ninh Bình cam kết: “Sẽ khẩn trương rà soát. Cơ bản sẽ hoàn thiện trong năm 2023”.

Còn tại Thanh Hoá đã có một số địa phương gửi báo cáo về Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh, thay đổi, sắp xếp sang bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hình thức thu hồi để thanh lý tài sản giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư, các công trình công cộng nên việc tham mưu, xử lý các tài sản này còn lúng túng, bất cập do vướng giữa quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật đất đai năm 2013.

Tại công điện 771, Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính xây dựng phương án sắp xếp, xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện phương án sắp xếp, xử lý trước ngày 30.9.2023.

Ông Nguyễn Trung Long - Trưởng phòng Quản lý Giá và Công sản - Sở Tài chính tỉnh Nghệ An - thông tin: “Nhiều trường hợp xử lý kéo dài do vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch (nếu đấu giá đất ở phải điều chỉnh quy hoạch từ đất trụ sở cơ quan sang đất ở), liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức. Những trụ sở của các cơ quan Trung ương thì cần có văn bản, quyết định xử lý của cơ quan Trung ương, tỉnh chỉ là đơn vị tiếp nhận, xử lý”.

Nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng
Nằm trên phố Tô Hiệu (quận Hà Đông, TP Hà Nội), trụ sở cũ của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hơn 15 năm qua không hoạt động. Thời điểm sáng ngày 30.8, phía trước khung cảnh hoang phế, các sạp hàng bán bánh trung thu mọc lên. Phế thải chất thành nhiều đống xung quanh.

Gần đó, trụ sở Cục Thống kê Thành phố Hà Nội cơ sở 2 cũng là toà nhà với mặt tiền rộng rãi. Nhưng cả 9 ô cửa kéo ngoài mặt tiền đều bị hoen rỉ do lâu năm không sử dụng. Chia sẻ với PV, nhiều người dân trên đường Tô Hiệu cho rằng, việc bỏ hoang các công trình là vô cùng lãng phí, nhất là khi vị trí đều hết sức đắc địa.

Liên quan đến tình trạng này, cử tri TP Hải Phòng cũng vừa có kiến nghị tới Bộ Tài chính về đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất của các cơ quan, đơn vị sử dụng không hiệu quả trên địa bàn quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Đồng thời xem xét theo hướng giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, các Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã quy định. Và nếu không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện bán, chuyển nhượng, điều chuyển, thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý. Theo Bộ Tài chính, khoảng gần 200.000 tỉ đồng là số tiền thu được mỗi năm từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công.

NGỌC MINH

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn