MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt bộ kích điện mà cơ quan chức năng và người dân thu giữ được. Ảnh: Minh Nguyễn.

Loay hoay ngăn chặn "giun tặc"

Minh Nguyễn LDO | 08/08/2023 13:30

Hòa Bình - Tình trạng kích trộm giun đất đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chế tài nào để xử lý vấn đề này.

Thiếu căn cứ để xử lý

Ông Bùi Văn Hưng - Phó Trường Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 1.700 ha cây có múi các loại. Đáng lo ngại khi thời gian gần đây tại địa phương bùng phát tình trạng kích trộm giun đất - mà "thủ phạm" chủ yếu là người ở địa phương khác. Việc kích trộm giun diễn ra vào buổi tối tại các vườn cam và có nguy cơ ảnh hưởng lớn việc phát triển và năng suất của cây cam. 

“Hiện nay chưa có chế tài nào để xử lý, xử phạt những người kích giun trộm mà mới chỉ dừng lại ở việc thư giữ máy kích điện và nhắc nhở” - lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết.

Tương tự về tình trạng sấy giun, ông Bạch Công Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn xác nhận, trên địa bàn xóm Thung Dao Bắc vẫn còn nhiều lò này đang hoạt động. Các lò sấy giun không được cấp phép, hoạt động kiểu tự phát và xây dựng trong đất của gia đình.

Chính quyền các địa phương đang loay hoay trong việc xử lý các lò kích giun. Ảnh: Minh Nguyễn.

Theo ông Dương, khó khăn cho địa phương là hiện cũng chưa có căn cứ nào để xử lý các lò sấy. Trong khi đó, người dân đang bức xúc về tình trạng kích trộm giun, sấy giun. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều người đã nêu ý kiến về việc này. Địa phương mong muốn sớm có quy định để xử lý vấn đề trên.

Anh Nguyễn Anh Tuân (chủ vườn cam tại xã Thu Phong, huyện Cao Phong) nhận định: Gốc của vấn đề là nhiều lò sấy giun đang tiếp tay, thu mua giun đất giá cao, nên nhiều người hám lợi đi kích trộm giun mà chưa ý thức được hệ lụy về sau.

Người dân khóc ròng vì tình trạng kích giun trộm. Ảnh: Minh Nguyễn.

Chỉ đạo nóng về vấn nạn kích trộm giun đất

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong đã ký văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn tự bảo vệ, không để các đối tượng mang máy kích điện bắt giun vào đất của mình để đánh bắt.

Đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của thôn, bản để có hình thức tuyên truyền, vận động, xử phạt các đối tượng cố tình vi phạm.

Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, các khu đất ven sông, suối kịp thời phát hiện, ngăn chặn và lập biên bản báo cáo cấp trên xử lý kịp thời các đối tượng sử dụng kích điện để bắt giun đất làm ảnh hưởng tới môi trường đất.

UBND huyện Cao Phong yêu giao Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 4 làm rõ nguồn gốc xuất xứ của máy kích điện đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở thu mua, sơ chế giun đất làm ô nhiễm môi trường.

Cần có giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng kích giun trôm.

Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu, UBND các huyện, thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chức năng (đặc biệt là lực lượng công an cấp xã, lực lượng dân quân xã) trong điều tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác giun đất trái phép.

Tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất. Nhận diện các hành vi vi phạm của mỗi cơ sở và áp dụng quy định pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, quy định về môi trường để xử lý các trường hợp này.

Giun đất có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất. Ảnh: Người dân cung cấp.

Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn cụ thể việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra (như dùng hóa chất, dùng kích điện vv). Các chế tài áp dụng xử lý theo quy định hiện hành để các địa phương, lực lượng chức năng thống nhất áp dụng.

“Phân tích của các nhà khoa học giun đất có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất, giun giúp làm đất tơi xốp, tạo độ thông thoáng cho đất, khiến cho bộ rễ cây phát triển, sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao.

Nếu dùng kích điện để bắt giun là hành vi hủy hoại môi trường phá vỡ đa dạng sinh học, khi giun đất bị chết các sinh vật khác trong đất cũng chết theo, làm cho đất bị khô cằn, chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp” – lãnh đạo UBND huyện Cao Phong cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn