MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi trông giữ phương tiện vi phạm Luật Giao thông tại Nam Trung Yên (Hà nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Loay hoay xử lý hàng nghìn phương tiện vô chủ

HẢI NGUYÊN LDO | 23/08/2019 15:16

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có rất nhiều bãi giữ xe vi phạm đang lưu giữ hàng nghìn xe máy, môtô, ôtô. Trong đó, nhiều phương tiện có giá trị lớn nhưng hiện đã xuống cấp, gỉ sét do để ngoài trời quá lâu, không người nhận. Công tác đấu giá, sung công, tiêu hủy lại chậm trễ đã gây quá tải cho các bãi trông giữ, lãng phí tài sản khi trở thành sắt vụn.

Xe vi phạm giao thông thành xe vô chủ

Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP.Hà Nội đánh giá, hầu hết số phương tiện tại các bãi giữ xe vi phạm là những xe vi phạm luật giao thông bị xử phạt tạm giữ phương tiện và yêu cầu chủ xe lên cơ quan công an xử lý hành chính và nhận lại xe. Tuy nhiên, chủ phương tiện không tới nhận lại xe dù số tiền phạt ít hơn so với giá trị của chiếc xe khá nhiều.

Ghi nhận tại một số bãi trông giữ xe vi phạm như khu vực Yên Hòa, Cầu Giấy, Mỹ Đình, Bồ Đề, Long Biên, Nam Từ Liêm..., tại đây các phương tiện để giữa trời mưa nắng, không có hệ thống mái che. Trong đó, có nhiều phương tiện đã lưu bãi từ 1 - 2 năm, hoen gỉ và cũ nát mà không ai đến nhận và trở thành xe vô chủ. Nhiều bãi giữ xe trở nên quá tải nhưng hiện vẫn tiếp tục phải tiếp nhận phương tiện.

Một quản lý bãi trông giữ xe vi phạm tại Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết, đây là bãi trông giữ phương tiện vi phạm của các đơn vị CSGT, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP. Bãi xe có diện tích rộng khoảng gần 1.000m2, nhưng hiện vẫn còn khoảng 200 phương tiện được đưa về đây đã gần 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Để dẫn đến tình trạng quá tải phương tiện vi phạm vô chủ, một cán bộ CSGT, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho rằng, chủ các phương tiện này khi bị kiểm tra, xử lý đều có những hành vi như đi xe trộm cắp, trên người có ma túy nên vứt xe lại. Tiếp đến là xe không có giấy tờ đăng ký, xe biển giả, các xe nhập lậu hoặc tiền phạt, lưu kho bãi lớn hơn giá trị xe nên không đến lấy xe. Đặc biệt, hầu hết phương tiện bị lực lượng 141 thu giữ, đều có dấu hiệu liên quan đến hành vi vi phạm có tính chất hình sự nên người vi phạm nên không có ý định quay lại cơ quan chức năng nộp phạt, nhận lại xe…

Bãi trông giữ phương tiện vi phạm luật giao thông tại Nam Trung Yên (Hà nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cần đẩy nhanh bán đấu giá sung công

Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, người vi phạm luật giao thông bị tịch thu phương tiện sẽ có thời gian tối đa là 30 ngày để đến trình diện cơ quan công an kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu sau 30 ngày mà chủ phương tiện không đến lấy xe thì sẽ bị tịch thu tài sản và đấu thầu nộp Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng khi triển khai gặp rất nhiều vướng mắc.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội đã và đang tích cực, thường xuyên phối hợp các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành tiến hành xác minh phương tiện có liên quan vụ án hình sự hay không, nguồn gốc, chủ sở hữu và thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, niêm yết tại trụ sở đơn vị và bàn giao phương tiện cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

“Phương tiện bị thu giữ quá thời hạn quy định thì có quyền bán đấu giá để sung công. Tiếp đến, điều kiện để nhận lại xe vi phạm cũng phải “co giãn” hơn, không nên quá cứng nhắc, phụ thuộc vào luật. Hơn nữa, nếu mức phạt với tổng số tiền lớn hơn giá trị thực của chiếc xe, chắc chắn chủ xe sẽ bỏ phương tiện không chịu đến nhận…

Bên cạnh những quy định của pháp luật, điều người dân trông chờ đó là sự xử lý hài hòa giữa người thực hiện chính sách với các chủ phương tiện. Trong đó, phải thông báo cho chủ phương tiện nắm được đầy đủ thông tin về quá trình xử lý phương tiện của mình. Nếu không đến làm các thủ tục nhận lại phương tiện, có thể tiến hành bán đấu giá, tránh trường hợp tài sản để lâu ngày, bị tồn đọng, gây hư hỏng, lãng phí như hiện nay” - một cán bộ xử lý vi phạm giao thông Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội kiến nghị.

Chỉ huy Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết, để có thể đấu giá và sung quỹ số phương tiện “vô chủ”, quá trình tiến hành xác minh rất mất thời gian. Mỗi trường hợp thời gian xác minh nhanh thì một tháng, lâu thì tới nửa năm. Ngoài ra, một số phương tiện chỉ có giá trị như bán sắt vụn, dù không đủ điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông, nhưng về luật, vẫn phải tiến hành đầy đủ các bước thủ tục...

Để giải quyết thực trạng trên, rất cần cơ chế phù hợp cho việc xử lý phương tiện vi phạm “vô chủ”. Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội nêu quan điểm, với loại tài sản này, để tránh lãng phí thời gian và của cải, với phương tiện còn có thể sử dụng lưu hành thì sẽ bán đấu giá; đối với những phương tiện không thể tiếp tục sử dụng, xe ba bánh tự chế không thể đăng ký đăng kiểm, thì nên bán sắt vụn… Ngoài ra, để giải quyết tình trạng tồn đọng của phương tiện vi phạm hành chính “vô chủ”, cần hành lang pháp lý phải hướng tới mục tiêu thông thoáng, từ thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thanh lý đến việc định giá phải nhanh gọn, chuyên nghiệp…

Luật sư Nguyễn Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội - cho biết, việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu hiện phải đáp ứng nhiều quy định cùng các thủ tục liên quan. Theo luật sư Trung cần có một hành lang pháp lý với các hướng dẫn cụ thể, rút ngắn các thủ tục liên quan đến việc xử lý các phương tiện bị tịch thu. Tuy nhiên, để tránh có hiện tượng lạm quyền, ngoài các thông tin như quy định xử lý trong biên bản thì trước khi thanh lý tài sản trong một khung thời gian nhất định, cơ quan thẩm quyền cần có văn bản gửi các địa phương nơi có hành vi vi phạm thông tin cho chủ xe, người vi phạm hoặc xác nhận nếu xe “vô chủ”.

Theo Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, trong khoảng thời gian 5 năm qua lực lượng 141 đã thu giữ hơn 1.000 môtô, xe máy… Mỗi năm Phòng CSGT làm thủ tục tiến hành thanh lý trên 1.000 phương tiện vi phạm giao thông mà chủ phương tiện không đến giải quyết hoặc không thuộc diện được trả; tịch thu, tiêu hủy gần 400 xe ba bánh.

Hiện, riêng Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thường xuyên trông giữ hơn 2.000 phương tiện vi phạm không có người nhận. Còn trên toàn địa bàn Hà Nội, ước tính, số phương tiện vi phạm bị thu giữ “vô thừa nhận” lên đến hàng vạn chiếc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn