MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loại lộc rừng ở Lai Châu có thể sử dụng cả lá, thân, hạt và củ. Ảnh: Trần Trọng.

Lộc rừng Tây Bắc: Thuần hóa dược liệu quý hiếm

Trần Trọng LDO | 20/01/2023 11:30

Sâm Lai Châu là loài cây có nguồn gen đặc biệt quý hiếm ở Việt Nam mang lại giá trị lớn về dược liệu, đặc biệt chúng mang lại nguồn kinh tế đáng kể cho người dân ở vùng cao Tây Bắc.

Phát hiện “lộc rừng”

Vùng trồng sâm Lai Châu của xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè cách TP. Lai Châu khoảng 200km. Từ UBND xã lên đến bản Sín Chải B khoảng 15km, con đường dốc ngược ôm theo các sườn núi cheo leo chỉ toàn đất và đá. Bản làng này nằm ở độ cao trên 1.900m so với mực nước biển, đây là vùng đất cư trú của đồng bào người La Hủ.

Anh Pờ Và Hừ - Trưởng bản Sín Chải B - dẫn PV đi bộ vào sâu trong rừng già, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, mới đến được nơi ẩn chứa “lộc rừng”. Anh Hừ cho hay, mùa hè có nhiều người dưới xuôi lên đây tìm mua sâm rừng; mùa đông thì người ta lên để chinh phục đỉnh núi cao bên kia.

Sâm Lai Châu thuộc họ nhân sâm, mọc hoang dã dưới tán rừng nhiệt đới và ở các dãy núi cao trên 1.800 mét so với mực nước biển. Từ rất nhiều năm trước, người dân ở những vùng núi cao của Lai Châu đã phát hiện ra nó, cùng với cây thảo quả và một số loài thảo dược quý, họ thu hái để bán và đun nước uống hằng ngày.

Những củ sâm rừng cho giá trị rất cao về kinh tế và là dược liệu quý ở Tây Bắc.

Một từ khác mà người Lai Châu thường dùng cho loại nhân sâm quý hiếm này là ‘tam thất hoang", nhưng cái tên gọi khác dễ nhận biết hơn là ‘tam thất đen’. Nó có đặc điểm ngoại hình và thành phần dược lý gần giống với sâm Ngọc Linh.

“Khi tôi còn rất nhỏ đã cùng bố dân bản đi làm nương và thường đào được những củ sâm này. Nghe ông bà xưa nói nó là một vị thuốc dùng được cả rễ, củ, thân và lá, nên mọi người thường mang về ngâm rượu hoặc phơi khô đun nước uống quanh năm” – anh Pừ Và Hừ kể.

Khoảng 10 năm gần đây, người bên Trung Quốc mua củ sâm này với giá khoảng vài triệu mỗi cân. Những năm gần đây, giá trị của Sâm Lai Châu ngày một tăng, có khi lên đến vài chục triệu mỗi cân củ loại nhỏ nên việc khai thác mạnh khiến số lượng của chúng ngoài tự nhiên giảm đi đáng kể.

Từ đó, Trưởng bản Sín Chải B cùng gia đình đã nảy ra ý nghĩ ươm trồng giống cây quý hiếm này.

Vườn ươm Sâm Lai Châu.

Mang dược liệu quý về vườn nhà

Mời PV bằng một cốc nước đun từ thảo quả lẫn lá sâm, rồi anh Hừ kể: “Năm 2016, giá củ sâm lên đến hàng chục triệu 1 cân, tôi bắt đầu nghĩ đến việc trồng thử ở vườn nhà. Thấy nó nảy mầm và sinh trưởng tốt, nên tôi đầu tư làm vườn ươm kiên cố. Năm 2017, tỉnh Lai Châu cho tôi cùng một số bà con đi học về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm này”.

Đây là loài cây mọc hoang dã, nên để thuần hóa trong vườn nhà cần kỹ thuật chăm sóc vừa đơn giản lại vừa mỉ mỉ, người trồng sâm cần kiên trì và nhiều công phu.

Đặc biệt, loài cây này không được bón phân hoá học hay phun bất kỳ loại thuốc gì. Một tuần phải kiểm tra gốc cây một lần, tránh để kiến và sâu bọ ăn mất hạt và cây giống, khoảng 3 đến 4 ngày tưới nước 1 lần.

Pờ Và Hừ là người đầu tiên của bản đưa củ sâm về ươm trồng. Vườn sâm nhà anh rộng khoảng 200 mét vuông, chủ yếu là Sâm Lai Châu, một phần là Lan Kim tuyến và Thất diệp nhất chi hoa. Vén dưới lớp lá khô, anh Hừ chỉ vào một mắt củ sâm nhỏ xíu nói, “mắt này bóng, tới tháng tư sẽ lên cây”.

Loại cây này cần chăm sóc tỉ mỉ và đặc biệt.

Cây sâm càng nhiều tuổi thì càng được giá, từ năm thứ 7 trở ra là có thể bán củ. Tuy nhiên, những nhà vườn tại đây còn kinh doanh thêm bán cây giống, bán hạt giống, hay những củ sâm tìm được trên rừng cũng có gia đến vài chục triệu một cân. Từ đó, người dân trong bản có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.

Riêng nhà anh Hừ, mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình anh để ra được khoảng trên 50 triệu đồng. Đến năm 2019, anh đã làm được cho vợ con ngôi nhà gỗ mới khang trang và ấm cúng hơn.

Là người Trưởng bản và có uy tín đối với địa phương, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng sâm cho bà con để nhân rộng mô hình. Đến nay, bản Sín Chải B có 46 hộ dân có vườn trồng sâm và một số cây dược liệu, với diện tích mỗi vườn dao động từ 40 đến 100 mét vuông.

Hoạt động này vừa mang ý nghĩa bảo vệ loài Sâm Lai Châu, đồng thời đưa loại cây này trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực trong phát triển kinh tế, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn