MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lời giải cho bài toán tái định cư “hậu thủy điện"

ĐỖ VẠN LDO | 12/11/2018 19:00
Sau hơn 10 năm nhà máy thủy điện A Vương vào hoạt động, nhưng các làng tái định cư Alua, K’la của xã Dang (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa tìm ra lời giải... an cư.

Hai lần toan tính vội vàng

Năm 2003, thủy điện A Vương triển khai đầu tư xây dựng. Đây là công trình có quy mô lớn đầu tiên ở Quảng Nam, được coi như là điểm sáng về thu hút đầu tư nên gấp rút thi công.

Ngoài hàng trăm hộ dân ở huyện Nam Giang phải di dời, nhường đất cho dự án, thì 2 làng đồng bào Cơ Tu là Alu và thôn K’la thuộc xã Dang, huyện Tây Giang cũng phải ra đi vì làng cũ sẽ bị chìm trong lòng hồ.

Điều đáng nói, việc xây dựng khu tái định cư không có sự nghiên cứu thấu đáo, mang tính bền vững. Nơi ở mới lại được xây dựng giữa sườn núi chênh vênh nên ngay từ đầu đã thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt lẫn tưới tiêu.

Làng Alu được xây kiên cố nhưng bỏ hoang. Ảnh: Đ.V

Năm 2009, người dân mới dọn về nơi ở mới đã phản ứng ngay bởi nhà tái định cư chật chội, nóng bức được làm cùng một kiểu bằng bê tông, dựng sát nhau, không theo truyền thống của đồng bào vùng cao. Hơn nữa, không có chỗ để xây dựng nhà Gươl - vốn là không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của đồng bào Cơ tu.

Đáng nói, sau 3 năm, khu vực này xuất hiện các vết nứt, sạt lở núi khiến người dân đành phải tháo chạy về nơi cũ. Và thế là, một cuộc di dời vội vàng thứ hai được diễn ra.

Hiện nay, hơn mấy chục ngôi nhà bị bỏ hoang đìu hiu bên dòng A Vương trơ đáy, lộ rõ trầm tích các cây chết. Đối với người dân, đất đai sản xuất đã không còn khi nhường cho thủy điện. Đến nay, người dân của thôn Alua và thôn K’la vẫn loay hoay đi tìm sinh kế.

Làng K'la có hướng quay ra mặt hồ A Vương. Ảnh: Đ.V

“Giờ đất ruộng để người dân trồng lúa đã không còn. Vì đây khu vực đất rừng phòng hộ nên người dân không có nơi nào để khai phá để làm rẫy. Với vị trí cũ, diện tích gieo trồng của người dân là 5kg giống/1 vụ lúa. Từ ngày nước dâng lên, đất ruộng bị ngập hết, bà con không còn được một nơi nào để gieo cấy. Để có gạo ăn, hoặc là đi mua từ bên ngoài, hoặc là mượn lúa từ các thôn khác về “giã” – anh Bríu Thanh, Bí thư Chi bộ thôn K’la, nói.

“Thêm nữa, dân số của thôn Alua ngày càng tăng lên, các đôi vợ chồng trẻ muốn ra ở riêng thì không có đất để xây nhà. Hiện nay, thôn Alua có 68 hộ dân, số hộ phát sinh ngày càng tăng lên trong khi nhu cầu đất ở, đất sản xuất càng eo hẹp” – anh Thanh thở dài.

Ngoài ra, thôn Alua cũng gặp chung “bài toán” như thôn K’la. Tất cả đều đi tìm lời giải cho bài toán “hậu thủy điện” A Vương.

Loay hoay tìm lời giải

Ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang – chia sẻ, hiện nay trên địa bàn xã Dang, có 2 thôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy điện A Vương là thôn Alua và K’la và 1 thôn bị ảnh hưởng gián tiếp là Z’lao. Tại các thôn này, đời sống người dân còn khó khăn do nhà cửa tạm bợ và đất sản xuất không có.

Quang cảnh đìu hiu của 2 ngôi làng Alu và K'la bên bờ A Vương. Ảnh: Đ.V

“Việc giúp người nghèo ổn định đời sống là câu chuyện còn nhiều gian nan. Nguyên nhân là vì mất đất sản xuất và việc hỗ trợ đền bù từ dự án thủy điện chưa quan tâm đến sinh kế bền vững như đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm,… nên người dân cứ luẩn quẩn trong cái vòng của nghèo đói...” - ông Linh trăn trở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn