MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dưới bóng đa Tân Trào, bản Quân lệnh số 1 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc lên như lời hiệu triệu cả nước đứng lên giành lại chính quyền.

Lời hiệu triệu dưới bóng đa Tân Trào

Nguyễn Tùng LDO | 19/08/2022 09:42

Tuyên Quang - Dưới bóng đa Tân Trào, vị Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 rồi tiến về đánh chiếm thị xã Thái Nguyên. Các đại biểu dự Quốc dân Đại hội tiễn đoàn quân đi trong khí thế sôi sục với niềm tin chiến thắng đã đến rất gần.

Mệnh lệnh của lịch sử

Sau nhiều ngày băng rừng lội suối, chiều 21.5.1945 Lãnh tụ Hồ Chí Minh về tới Tân Trào và nơi đây đã chính thức trở thành căn cứ của cách mạng. Cũng từ thời điểm này, vị tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp luôn ở bên cạnh Người để chuẩn bị các công việc cho Tổng khởi nghĩa.

Bác ở và làm việc trong một căn lán nhỏ giữa rừng Tân Trào với điều kiện sinh hoạt kham khổ. Có lẽ cũng vì vậy mà cuối tháng 7.1945 giữa lúc tình hình cách mạng đang tiến triển có lợi Bác bị ốm nặng, lúc mê lúc tỉnh tưởng chừng như không qua khỏi.

Trong một đêm thanh tĩnh, tỉnh lại sau cơn sốt miên man, Bác dặn tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Căn lán Nà Nưa nằm giữa rừng Tân Trào, nơi Bác ở và làm việc trước Tổng khởi nghĩa. 

Theo PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, câu nói giống như một mệnh lệnh của lịch sử và không ai khác chính ông Võ Nguyên Giáp là người hiện thực hoá điều đó với tầm chiến lược. 

Một mặt tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp xây dựng, mở rộng khu giải phóng. Mặt khác ông đã đề xuất mở trường quân chính kháng Nhật để đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự đầu tiên, sau trở thành những cán bộ nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa.

PGS.TS Trần Ngọc Long cho rằng: "Cũng chính ông Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp vâng lệnh Bác Hồ thảo ra các bức điện hỏa tốc triệu tập các đại biểu về dự hội nghị toàn quốc của Đảng và sau đó là Quốc dân Đại hội Tân trào để ra quyết định lịch sử quyết định Tổng khởi nghĩa một cách nhanh chóng, mau lẹ".

Tháng 8.1945, chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, các nước thắng trận đang vẽ lại bản đồ thế giới. Tại Việt Nam, nam vĩ tuyến 16 sẽ được trao cho quân đội Anh, phía bắc vĩ tuyến 16 sẽ do quân đội Tưởng phụ trách. 

Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Bác Chỉ thị: "Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội".

Ngày 13.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh tiến vào Đông Dương.

Lời hiệu triệu được truyền đi

Ngày 16.8.1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) được khai mạc tại đình Tân Trào. Ngay chiều hôm đó, dưới bóng đa Tân Trào, vị tổng chỉ huy Võ Nguyễn Giáp đã thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc Bản quân lệnh số 1 rồi dẫn quân tiến về đánh chiếm thị xã Thái Nguyên.

Theo GS.TS. Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội, chọn tấn công trại quân Nhật ở Thái Nguyên ngay khi. xuất quân vừa có yếu tố địa lý nhưng cũng vừa là biểu tượng của hoạt động vũ trang chống phát xít của Mặt trận Việt Minh. Nhiệm vụ đó đã được Bác tin tưởng giao cho Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

"Tổng khởi nghĩa là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài. Chúng ta đã Xây dựng lực lượng bộ đội Việt Mỹ huấn luyện quân sự nhưng cái quan trọng nhất bộ đội Việt Mỹ như một minh chứng cho sự công nhận quốc tế của Đồng minh đối với lực lượng của Mặt trận Việt Minh.

Đó là tầm nhìn xa trông rộng, sự tài tình của Bác khi đã kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại" - GS.TS Phạm Hồng Tung nhận định.

Từ Tân Trào “Thủ đô Kháng chiến” của cách mạng làn sóng tổng khởi nghĩa lan truyền như thác đổ, nhiều địa phương trong cả nước đã đồng loạt đứng lên với sức mạnh như vũ bão đánh đuổi quân xâm lược cùng bè lũ tay sai.

Ngày 19.8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi vang dội tạo động lực, khí thế cho nhiều địa phương khác giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong các ngày sau đó những chiến thắng vang dội từ Bắc Kạn cho đến Huế rồi đến Sài Gòn - Gia Định, Bến Tre... Đến ngày 28.8, Việt Minh đã giành được chính quyền toàn quốc, Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Việt Nam đã đập tan sự đô hộ của Pháp sau gần một thế kỉ bị xiềng xích, nô lệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn