MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ chính quyền số, mà các thông tin mưa bão, cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết, thông báo xả lũ... rất kịp thời, đáp ứng thiết thực đời sống người dân miền núi Quảng Nam. Ảnh: TH

Lợi ích chuyển đổi số với người dân miền núi

Thanh Hải LDO | 11/10/2022 07:03

Không mất công phải vượt đường rừng trơn trượt, băng qua suối mùa lũ dữ, tốn cả ngày công... nhưng người dân và chính quyền vẫn tương tác với nhau nhờ trực tuyến và vẫn giải quyết được công việc tức thì. Đó là một trong những lợi ích rất rõ trong việc chuyển đổi số của chính quyền các địa phương ở Quảng Nam. Nhất là khu vực miền núi...

Số hóa, giúp dân gần với chính quyền hơn

Chính quyền số. Đó là mục tiêu quan trọng, ban đầu mà Quảng Nam đề ra, triển khai thực hiện rộng khắp các địa phương, nhằm từng bước dẫn dắt nền kinh tế số và xã hội số.

Lý thuyết là vậy, nhưng với người dân các huyện miền núi cao như Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang... thì chuyển đổi số, chính quyền số với họ rất giản đơn, trực quan. Đó là thông tin trực tiếp, nhanh và chính xác nhất về cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở núi... Là thông tin đóng cửa trường học trong những ngày mưa bão.

Chuyển đổi số là họ không cần phải vượt đường rừng cả ngày để về trung tâm hành chính huyện, giải quyết hồ sơ nhà đất, bảo hiểm, nộp thuế... Đấy là những thành quả thật thiết thực, hiệu quả và gần gũi với người dân nhất.

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam” tổ chức 10.10, UBND huyện miền núi Bắc Trà My cho biết, hiện nay các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc với tỉ lệ 100% cán bộ, công sử dụng máy tính, xử lý công việc trên hệ thống quản lý và điều hành công việc Qoffice. 100% văn bản phát hành trên hệ thống Qoffice có đầy đủ chữ ký số cơ quan và chữ ký số lãnh đạo cơ quan. 100% văn bản đi/đến được thực hiện trên Qoffice...

Dù địa bàn rộng, cách trở, nhưng có trên 75% thôn, tổ ở Bắc Trà My đã có kết nối đường truyền internet băng rộng. Tỉ lệ thôn được phủ sóng di động 3G, 4G là khoảng 97%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được sử dụng cho các cuộc họp từ Trung ương đến - tỉnh - huyện - xã.

Ngoài ra, huyện Bắc Trà My đã đưa vào vận hành chính thức trung tâm điều hành thông minh IOC Bắc Trà My với nhiều phần mềm tích hợp vào IOC như camera giám sát an ninh, camera giao thông, dịch vụ công, giám sát thông tin trên môi trường mạng, giám sát y tế, giám sát giáo dục, quản lý và cảnh báo cháy rừng, phản ánh kiến nghị của người dân, giám sát tình hình xử lý văn bản trên Qoffice...

Ứng dụng Bắc Trà My Smart trên nền tảng di động với nhiều tiện ích đã thực hiện kết nối giữa người dân với chính quyền trên nền tảng số.

Vì vậy, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, Chi cục Thuế khu vực Tiên phước - Trà My đã đưa vào triển khai biên lai điện tử, hóa đơn điện tử, dịch vụ thanh toán phí, lệ phí trong giải quyết TTHC.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Hồ Tấn Bửu cho biết, chuyển đổi số thành công của Quảng Nam sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số Quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trên toàn tỉnh Quảng Nam.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính quyền điện tử, bước đầu đã hình thành được nền tảng phục vụ phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh.

Năm 2021, theo Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Quảng Nam xếp vị thứ 25/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3 khu vực miền trung.

Để việc Chuyển đổi số tại tỉnh được đẩy nhanh, toàn diện hơn và lấy ý kiến các chuyên gia, các ngành, địa phương nhằm hoàn thiện Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam; vạch ra các nguyên tắc, hướng dẫn, căn cứ cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông trong việc triển khai đô thị thông minh tại các địa phương, tránh trùng lắp, lãng phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn