MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lợi ích kép việc người lao động về quê tránh dịch tham gia hái cà phê

Bảo Lâm LDO | 03/12/2021 19:08

Đắk Nông - Nhiều người lao động về quê tránh dịch đã và đang trở thành nguồn nhân lực chính giúp nông dân ở tỉnh Đắk Nông thu hoạch cà phê.  Điều này không chỉ tạo thu nhập cho người lao động thất nghiệp mà còn giải bớt cơn khát thiếu nhân công thu hoạch cà phê hiện nay. 

Người lao động về quê tránh dịch vừa có thêm thu nhập, vừa giải quyết việc thiếu nhân công thu hoạch cà phê ở các địa phương. Ảnh:TH

Người lao động phấn khởi

Gần một tháng nay, Nguyễn Trúc Linh (19 tuổi) cùng 2 người bạn khác (ở Đắk Lắk) đang đi hái cà phê thuê cho nhiều người dân ở thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Trước đây, cả 3 người này đều làm việc cho một doanh nghiệp dưới Bình Dương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên từ đầu tháng 7.2021, cả nhóm của Linh đã về quê tránh dịch. Tranh thủ thời gian cao điểm vụ thu hoạch cà phê, nhóm của Linh năng nổ làm việc liên tục từ 6h sáng đến 17h và ăn cơm trưa ngay nơi làm việc. Cũng nhờ vậy mà mỗi người đã có nguồn thu nhập khoảng 400.000 đồng/người/ngày. 

“Nếu trừ chi phí tiền trọ và ăn uống hàng ngày, mỗi người lao động có thể để dành được khoảng 300.000 đồng/ngày.  Công việc khá vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì có việc để làm và có thêm thu nhập. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa, khi vụ thu hoạch cà phê ở tỉnh Đắk Nông kết thúc mỗi người sẽ có gần 20 triệu đồng về nhà sắm sửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán"  - Linh cho biết. 

Tại tỉnh Đắk Nông, hiện nay, nhiều vườn cà phê đang bước vào giai đoạn chín rộ. Theo đó, các chủ vườn đang thực hiện việc khoán công theo sản lượng với giá trung bình từ 1.200 đồng- 1.500 đồng/kg tùy thuộc vào địa hình, năng suất của từng vườn cà phê. Với mức giá cho thuê này, bình quân mỗi nhân công thu hoạch có thể kiếm được 300.000- 400.000 đồng/ ngày nhưng cũng có nhiều người thu nhập cao hơn.

Ông Phạm Văn Hanh, một người dân ở huyện Đắk Song cho biết, năm nay, giá nhân công thu hái cà phê có tăng cao hơn mọi năm khoảng 20%. Nguyên nhân bởi một phần do giá cà phê tăng cao nên người dân chúng tôi sẵn sàng trả công hái cà phê cao hơn cho người lao động. Phần khác năm nay người lao động háu cà phê thuê cũng khan hiếm hơn mọi năm nên các chủ vườn đã tăng giá để dễ kiếm người thu hoạch.

Lợi ích kép

Huyện Đắk Glong là địa phương có hơn 21.000 ha cà phê đang bước vào thời kỳ kinh doanh. Do đó, nhu cầu nhân công thu hoạch cà phê của địa phương cũng tương đối lớn.

Tuy nhiên, năm nay, thị trường nhân công thu hái cà phê không nhộn nhịp như các năm trước do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Chính vì thế địa phương đã tận dụng nguồn lao động tại chỗ, phần lớn là lao động về quê tránh dịch để tham gia thu hoạch nông sản. Việc này vừa giải quyết vấn đề thiếu nhân công tại chỗ nhưng cũng tăng thêm thu nhập cho người lao động trong mùa dịch. 

“Đây là công việc mang tính thời vụ, nhưng rõ ràng nó đã giải quyết được nhiều vấn đề thời kỳ “hậu COVID-19” về lao động, việc làm. Các địa phương nếu biết tận dụng tốt nguồn nhân lực tại chỗ, thành lập các tổ hái khoán, nhận công thì việc thu hái, sơ chế cà phê sẽ rất thuận lợi. Mặt khác, việc này cũng giúp người lao động có công ăn việc làm và thu nhập ổn định trong thời gian về quê tránh dịch”, ông Phương cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn