MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Văn Quang đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Hoài Thu

Lời kể của những người may mắn sống sót sau vụ lật tàu ở Thanh Hoá

Trần Lâm - Hoài Thu LDO | 24/05/2018 14:43
Vụ tai nạn đột ngột vào giữa đêm 23.5 khiến tất cả hành khách đi tàu SE19 bàng hoàng. Cho đến nay, nhiều người vẫn không thể quên được những gì đã xảy ra vào thời điểm đó. 

Theo BSCK1 Lê Mai Dung - Phó trưởng Khoa chỉnh hình và bỏng BV Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, bệnh nhân Nguyễn Văn Quang (32 tuổi, quê xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) nhập viện lúc 1h35 ngày 25.5 trong tình trạng đau đầu, sưng nề vùng vai trái, xây xát da vùng trán bên trái, vai trái hạn chế vận động. Bác sĩ chẩn đoán, anh Quang bị gãy đầu ngoài xương đòn, hiện đang tiếp tục theo dõi chấn thương sọ não. 

 Anh Quang đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: H.T

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Văn Quang cho biết, anh hiện là công nhân của Cty vận tải đường sắt Hà Nội. Khoảng 0h30 ngày 24.5, khi anh đang cùng mọi người ăn đêm thì bất ngờ có tiếng động mạnh.

“Cả toa tàu chao đảo rồi đổ xuống. Tôi và các anh em khác cùng một số hành khách đang ăn đêm ở toa căngtin thì bị văng vào thành tàu. Mọi người la hét ầm ĩ. Tôi văng ra khỏi toa qua đường cửa kính xuống mương. Khi tôi bò được lên bờ để kêu cứu thì thấy cả đoàn tàu hầu như đã nằm ngổn ngang dưới ruộng. Tiếng la hét bắt đầu, mỗi lúc một to” - anh Quang kể.

Cũng theo anh Quang, mọi việc xảy ra quá nhanh, chưa kịp định hình thì cả đoàn tàu đã lật khỏi đường ray. 

Chị Lưu Thị Mùi (SN 1991, quê ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) kể: “Lúc đó, tôi và con gái một tuổi rưỡi đang nằm ngủ ở toa số 2 thì bất ngờ nghe tiếng động lớn, toa tàu nghiêng đổ, va đập mạnh nên con gái tôi khóc thét lên. Sau đó, chúng tôi được những người khác trên tàu ứng cứu, hỗ trợ di chuyển ra khỏi tàu và đưa vào bệnh viện”.

Còn anh Vũ Bá Hạnh (SN 1990, quê xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Tôi là hành khách ngồi ghế mềm ở toa số 1 của đoàn tàu. Toa số 1 cách vị trí đầu tàu một toa căng tin. Lúc đó, tôi và hầu hết mọi người trên toa đều đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động mạnh. Toa tàu nghiêng đổ, khói bốc lên, nhưng tôi và nhiều người trong toa vẫn cố gắng bình tĩnh hô hoán mọi người tìm búa đập kính, tìm cửa thoát hiểm. Lúc bấy giờ, mọi người trên tàu vô cùng hoảng loạn, người lớn la hét ầm ĩ, còn trẻ em khóc như ri.

Sau khi mở được cửa toa số 1, chúng tôi đưa hết người trong toa ra khỏi toa, rồi tiếp tục chạy đến các toa khác đập kính, mở cửa để hỗ trợ những người khác. Khi ra khỏi toa tàu và lên trên mặt đường, những người bị thương như chúng tôi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, hành khách thì được vận chuyển đến các trạm ga khác để tiếp tục hành trình”.

Anh Hạnh bị kính vỡ va đập vào đầu gối, gây chảy máu, đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tĩnh Gia. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá thăm hỏi nạn nhân Vũ Bá Hạnh tại BV Đa khoa huyện Tĩnh Gia. 

Ngay trong sáng 24.5, Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa  cùng đoàn công tác đã tới Bệnh viện Đa khoa huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thăm hỏi, động viên những người gặp nạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn