MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bồi thường, GPMB thời gian qua được tỉnh Long An xác định là nhiệm vụ đột phá để thúc đẩy sự phát triển.Ảnh: A.L

Long An: Đột phá trong giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế

AN LONG LDO | 01/12/2021 12:04

Trong vòng 2 năm qua, Tỉnh ủy Long An đã ban hành 1 Kết luận, 1 Nghị quyết thể hiện quyết tâm cao, mang tính đột phá trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB, TĐC) để tạo lợi thế phát triển.

Gỡ khó cho vùng trọng điểm

Là cửa ngõ Miền Tây giáp với TPHCM, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư, đô thị.

Những năm qua, Long An trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, trong đó đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư hạ tầng, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư, đô thị thì việc bồi thường, GPMB, TĐC cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là ở những địa bàn giáp TPHCM giá đất biến động liên tục, tăng cao. 

Để chấn chỉnh và giải quyết những hạn chế, tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC, từ ngày 29.3.2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã ban hành Kết luận 720 để tăng cường, đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên một số địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh là Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An Nguyễn Văn Thông, Kết luận 720 nhấn mạnh nhiều vấn đề, nội dung. Trong đó, có đề cập đến yêu cầu củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác kê biên, bồi thường, GPMB; trong thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy tại địa địa phương...

Để thực hiện Kết luận 720, ở các địa phương trên đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch với những mục tiêu, giải pháp triển khai cho từng dự án, công trình và có lộ trình cụ thể. 

“Những vướng mắc ở các dự án, công trình đều được chỉ ra, đánh giá rõ để có giải pháp tập trung giải quyết. Tiến độ thực hiện bồi thường, GPMB, TĐC ở các dự án, công trình phải được báo cáo hằng tháng về tỉnh để theo dõi, qua đó có hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện”, ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước cho biết.

Sau hơn 2 năm thực hiện Kết luận 720, công tác bồi thường, GPMB ở tỉnh có những chuyển biến rõ nét và đã bồi thường, GPMB được hơn 1.000ha đất để thực hiện các dự án, công trình.

Một số công trình vướng mắc mặt bằng kéo dài nhưng được tháo gỡ, triển khai đầu tư. Trong đó, có những dự án lớn, mang tính kết nối vùng, mở ra nhiều tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển không những cho riêng tỉnh Long An mà còn cả khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh nhiều chuyển biến rất tích cực thì vẫn còn nhiều công trình, dự án đang vướng mắc GPMB; thời gian qua có những công trình vừa thi công, vừa tháo gỡ, giải quyết bồi thường,  GPMB. 

Không “khoán trắng” cho cấp dưới

Xác định công tác bồi thường, GPMB, TĐC là nhiệm vụ trọng tâm, ngày 4.11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 25 về “nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác GPMB, TĐC khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh”.

 Theo đó, Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp giải quyết những việc khó, phức tạp trong bồi thường, GPMB, TĐC, không “khoán trắng” cho cấp dưới.

Ông Trần Hoàng Nhân - Bí thư Huyện ủy Bến Lức nhấn mạnh, theo tinh thần chỉ đạo này, địa phương cũng quán triệt đến các phòng, ban, các xã, thị trấn về tầm quan trọng của công tác bồi thường, GPMB, TĐC. Vì vậy, dự án nào gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, người đứng đầu cấp ủy sẽ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân trong vùng GPMB để nắm bắt tâm tư tình cảm, kiến nghị, những bức xúc.

Không chỉ ở cấp huyện mà người đứng đầu cấp ủy ở các xã, thị trấn cũng phải thực hiện nghiêm túc công tác này để tiếp xúc, đối thoại với người dân. “Khi đó người đứng đầu sẽ kịp thời nắm bắt, lắng nghe tâm tư tình cảm, kiến nghị để có hướng giải quyết phù hợp, nhanh chóng, đúng theo quy định pháp luật, không để dây dưa làm phát sinh khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Đồng thời, huyện cũng đề xuất tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm trễ kéo dài, không đúng chủ trương do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư” - ông Nhân chia sẻ.

“Trước khi thực hiện các dự án đầu tư phải quan tâm tạo quỹ đất sạch phục vụ TĐC cho người dân; cải tiến công tác TĐC cho người dân, quán triệt tư tưởng “được tái định cư” thay vì “bị tái định cư” - đó cũng là một điểm được Ban Chấp hành Đảng bộ Long An nhấn mạnh trong Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện. 

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC phải thực hiện chính xác, đúng quy định pháp luật; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư; người dân được TĐC phải hưởng lợi từ dự án, theo nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”; đặt quyền, lợi ích chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất lên trên hết, trước hết. 

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Long An đặt ra mục tiêu giải quyết dứt điểm các dự án bồi thường còn tồn đọng; phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB khoảng 4.000ha đất để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tập trung các dự án trọng điểm, đột phá, các dự án tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB tối thiểu 5.000ha đất để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn