MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học đặc biệt đưa con chữ về với người dân vùng biên giới. Ảnh: M.N

Lớp học đặc biệt xoá mù chữ cho người dân vùng biên

Minh Nguyễn LDO | 09/06/2023 14:20

Sơn La - Với mục tiêu xóa nạn mù chữ trên địa bàn, năm vừa qua, huyện biên giới Sông Mã tổ chức mở các lớp học đặc biệt, những học viên đầu tiên nay đã quen với con chữ.

Bắt đầu từ thời điểm cuối chiều vào các ngày trong tuần, lớp học xóa mù chữ tại Điểm trường Sum Pàn thuộc Trường Tiểu học bản Mé (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La) lại được sáng đèn. Lớp học với 50 học viên, tất cả đều là bà con dân bản sinh sống gần trường.

Học viên trong lớp có độ tuổi từ 20 trở lên, người cao tuổi nhất năm nay đã 61. Tuy là các thế hệ khác nhau nhưng họ đều có chung mong ước được biết chữ, mở mang kiến thức, để từ đó phát triển kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống. Bởi vậy, những học viên tại Điểm trường Sum Pàn luôn đến lớp đầy đủ.

Lớp học đặc biệt diễn ra mỗi ngày. Ảnh: Minh Nguyễn

Thế nhưng, những người thành lập lớp học đã gặp không ít gian truân mới có được thành quả như ngày hôm nay. Họ phải đến từng nhà vận động, giải thích về ý nghĩa quan trọng của con chữ, đây là điều quan trọng hơn cả để người dân đi học.

Khi đã đến lớp thì việc bỏ bê là không tránh khỏi. Hơn 6 tháng lớp học xóa mù chữ hoạt động, cũng không ít thời điểm ban lãnh đạo nhà trường, chính quyền địa phương, các già làng đã phải đến tận nhà các học viên để vận động tiếp tục đến trường do học viên bận chuyện gia đình hay quá trình học khó tiếp thu.

 Các học viên được giáo viên hướng dẫn tận tình. Ảnh: Minh Nguyễn

Ở tuổi 61, bà Lường Thị Diên (trú bản Mé, xã Nà Nghịu) vẫn ngày ngày kiên trì tới lớp học. Dù tuổi đã cao, nhưng bà nghĩ, mình phải là tấm gương để các thế hệ sau noi theo, không chỉ là học tập mà còn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

“Mắt tôi đã kém, trí nhớ cũng không còn tốt nữa nên việc học chữ khá khó khăn. Nhưng biết đây là việc nên làm và được cô giáo hướng dẫn tận tình nên sau hơn 6 tháng, tôi đã biết viết, biết đọc. Khi về nhà lại cùng cháu nội học bài, 2 bà cháu càng thêm thân thiết” - bà Diên nói.

Bà Diên cùng cháu học bài. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong quá trình dạy chữ tại lớp học đặc biệt này, cô Hà Thị Hoàn cũng gặp không ít khó khăn như: Có nhiều lứa tuổi trong lớp, học viên không biết tiếng Kinh... nên không thể dạy theo cách thông thường. Cô phải hướng dẫn nhiều lần, đồng thời sử dụng ngôn ngữ cơ thể, hiện vật trực quan để có thể diễn đạt cho các học viên hiểu được ý nghĩa của các câu các từ.

Những đôi tay khô ráp chỉ biết cầm quốc, cầm dao mà qua bàn tay hướng dẫn tận tình của cô giáo đã có thể viết ra những chữ cái mềm mại. Dù chữ chưa được đẹp, viết chưa được nhanh nhưng chất chứa bao sự cố gắng từng ngày của những học viên. 

“Hầu hết mọi người đều khá chịu khó học chữ, bởi vậy mà đến nay cả lớp đều đã biết viết, biết đọc cơ bản” - cô Hà chia sẻ.

Vợ chồng anh Sồng A Chư cùng đến lớp. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong lớp cũng không hiếm những trường hợp đặc biệt như bà Diên. Bỏ qua những khó khăn cuộc sống, sắp xếp lại thời gian sinh hoạt, vợ chồng anh Sồng A Chư (37 tuổi, trú bản Hua Pàn) đã cùng nhau đến lớp. Bởi lẽ: “Là con người, nếu không biết chữ thì cũng chỉ như con trâu thôi, đi ngoài đường thấy biển chỉ dẫn mà chẳng biết đọc. Biết chữ còn có thể giúp tôi giao lưu, học hỏi, buôn bán nữa” - anh Chư nói.

Hay như trường hợp chị Sồng Thị Giàu (33 tuổi) phải mang con nhỏ 3 tuổi đi cùng đến lớp học. Biết là còn nhiều vướng bận, vất vả nhưng vì con chữ, vì tương lai của bản thân và các thế hệ sau này, họ vẫn luôn cố gắng từng ngày.

This browser does not support the video element.

Hình ảnh ghi nhận tại Điểm trường Sum Pàn thuộc Trường Tiểu học bản Mé (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La). Video: Minh Nguyễn

Ông Nguyễn Công Viên - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sông Mã cho hay: "Lớp học xóa mù chữ là chương trình đã có từ trước, thời gian gần đây, địa phương đã rà soát lại và tiếp tục thực hiện. Chương trình không chỉ giúp bà con biết chữ, mà từ đó giúp họ tiếp cận sự tiên tiến của xã hội, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đây còn là bước đà nhảy vọt cho các thế hệ đồng bào sau này". 

Tháng 10.2022, UBND huyện Sông Mã đã ra Quyết định mở 4 lớp xóa mù chữ cho người đồng bào dân tộc tại xã Nà Nghịu và Đứa Mòn, với sự tham gia của 228 học viên.

Theo khảo sát vào tháng 5.2022, tỉ lệ mù chữ của người dân trên địa bàn huyện Sông Mã là 7,84%. Với nhu cầu học chữ của người dân, trong năm học 2023 - 2024, UBND huyện đã có kế hoạch mở 13 lớp với 650 học viên và sẽ tiếp tục mở thêm lớp học đến năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn