MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiều 17.10, thành phố Huế lại "tái ngập lụt". Ảnh: Tường Minh

Lũ lại ngập Thừa Thiên - Huế: Thêm những vụ tử vong do chủ quan

Tường Minh - Hữu Long LDO | 17/10/2020 19:41
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 10 người chết và 8 người bị thương do lũ. Đáng nói, có cả những vụ việc nghiêm trọng lẽ ra không đáng xảy ra bởi sự chủ quan trong bão lũ.

Thêm vụ chết vì đi bắt chim

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên -Huế, tính đến chiều 17.10, số người chết do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế những ngày qua đã tăng lên 10 người chết. Có 3 người ở được cho là mất tích ở hai Hương Trà và Phú Vang trước đó đã chết và đã tìm thấy thi thể.

Trong số 10 người chết, có những cái chết rất không đáng kiểu như của H, sinh 1989, ở tại Tổ dân phố Khánh Mỹ - thị trấn Phong Điền, bị lật thuyền chết trong khi đi bắt chim.

Đáng nói là những cái chết kiểu đi bắt chim như thế này không phải là lần đầu tiên trong mùa mưa lũ ở Thừa Thiên -Huế mà là những câu chuyện được lặp đi lặp lại .

Không tuân thủ khuyến cáo

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết: Năm nay, lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên -Huế đưa vào hoạt động tổng đài 1900.1075 để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ nhân dân phòng chống bão lụt.

Thời gian qua, có rất nhiều yêu cầu, đề nghị cấp thiết của người dân trong bão lụt, thông qua tổng đài, đã được tiếp nhận, xử lý. Cho dù là ban ngày hay đêm tối, cho dù là lúc tạnh ráo hay ngay trong cơn mưa lũ đang ở mức to nhất, các lực lượng chính quyền, công an, quân đội, y tế, dân quân tự vệ, các tổ tự quản, tình nguyện... cũng đều xông pha, không ngại nguy hiểm để cứu dân, hỗ trợ người dân, đem lại sự an toàn cao nhất có thể cho người dân.

Thế nhưng, đáng tiếc là có một số ít người vẫn có những hành động thiếu ý thức, không đúng mực, ỷ lại, yêu cầu không trung thực làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của lực lượng hỗ trợ.

Nhiều người, khi tạnh ráo, ban ngày cố tình chây ỳ, không tuân thủ những khuyến cáo, yêu cầu di dời của chính quyền, không chủ động phòng chống lũ theo nhắc nhở, đến khi nguy khó, vào lúc nước đã dâng cao, khi đêm tối, phải kêu cứu, gây khó khăn, nguy hiểm cho các lực lượng làm nhiệm vụ và quan trọng hơn là làm mất đi cơ hội để giải quyết các yêu cầu chính đáng của những người dân khác.

Một số người trình bày không trung thực để lợi dụng lực lượng cứu hộ "nhờ" làm những việc rất lặt vặt như đi mua nước uống; chuyển đến ở khách sạn do nhà bị tắt điện; tìm người nhà (đã thành niên) lội lụt đi chơi, đi nhậu lâu chưa về, có nữ thanh niên đi nhậu đến 2 giờ sáng về bị mắc lụt cũng điện kêu cứu; hoặc rất nhiều công việc chưa thiết yếu, cấp thiết khác tương tự.

"Để giải quyết một yêu cầu của người dân, các đơn vị phải huy động lực lượng nhân lực và phương tiện đôi khi rất lớn; lực lượng hỗ trợ làm việc liên tục đêm ngày trong suốt thời gian bão lũ kéo dài cũng rất mất nhiều sức lực.

Mong là mỗi người chúng ta cùng nâng cao ý thức chấp hành các khuyến cáo về phòng chống bão lũ, chủ động giải quyết những vấn đề trong khả năng của mình có thể, để dành cơ hội được hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, bất khả kháng", ông Định nói.

Diễn biến bão lũ vẫn còn phức tạp. Ngay chiều tối 17.10, mưa lớn léo dài khiến nước trên các sông hồ lại dâng và thành phố cũng như các vùng phụ cận, vốn chưa giải quyết xong hậu quả của đợt lũ trước đã bị "tái lũ" lần nữa. Và đây là cơn lũ chồng lũ thứ 3 ở Thừa Thiên -Huế trong vòng 10 ngày trở lại.

Mong rằng từ tối nay, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của chính quyền, đặc biệt là "tự quản tại chỗ" để hạn chết thấp nhất những vụ việc đáng tiếc xảy ra từ sự chủ quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn