Những ngày giữa tháng 7, tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc đã có mưa lớn, nước lũ từ nhiều nơi đổ về sông Hồng đã khiến mực nước tăng nhanh, chảy xiết. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 13h ngày 16.7, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội dưới Báo động 1 là 5,4m.
Tại tỉnh Phú Thọ, mực nước sông Hồng đã tăng rất nhanh, khi 16h ngày 16.7, thủy điện Hòa Bình và thủy điện Tuyên Quang đều đã vận hành mở tiếp một cửa xả đáy (xuống sông Đà và sông Lô), trong khi đó, Phú Thọ là nơi hợp lưu giữa sông Hồng, sông Đà và sông Lô (tại thành phố Việt Trì).
Tại thị xã Phú Thọ, ghi nhận thực tế cho thấy, dòng nước sông Hồng đục ngầu, cuồn cuộn đổ về, che lấp những cồn cát ngày nào trơ trọi giữa sông ở thời điểm khô hạn. Cùng với đó, nước lũ dâng cao cũng đã che lấp đi gần như toàn bộ chiều dài khoảng 2km của tuyến kè khẩn cấp trị giá 100 tỉ đồng vừa được xây dựng và hoàn thành đầu năm 2024.
Có thể thấy, mặc dù nước sông chảy xiết, nhiều đoạn nước xoáy mạnh, cùng với đó mang theo nhiều đất, cát, tràn qua đỉnh kè vào phạm vi đất đai, hoa màu của người dân, thế nhưng, công trình kè và khu vực bờ sông chưa bị nhiều ảnh hưởng. Việc chân đê được gia cố bằng những khối đá hộc lớn đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng sạt lở tại đây.
Bà Nguyễn Kim Dung - người dân sống tại phường Âu Cơ - chia sẻ: “Có thể nước sông sẽ tiếp tục dâng, thế nhưng có kè rồi, người dân chúng tôi yên tâm hơn, không như năm ngoái khi bờ sông bị sạt lở, hàng chục ha đất đai, hoa màu trôi theo dòng sông khiến cả khu phố đứng ngồi không yên“.
Chiều 17.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Văn Quỳnh - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ - cho biết, những ngày qua, mực nước các sông trên địa bàn dâng cao, tuy nhiên chưa ghi nhận sạt lở tại bờ sông Hồng đoạn qua địa phận thị xã Phú Thọ, nơi đã được đầu tư xây dựng tuyến kè khẩn cấp.
Trước đó, năm 2023, do nước sông Hồng chảy xiết, kết hợp phía bờ hữu có bãi bồi lớn lấn ra giữa sông khiến chế độ dòng chảy thay đổi, dòng chủ lưu áp sát bờ tả, lòng sông trong khu vực bị xói sâu gây sạt lở nghiêm trọng khoảng 2.000m đê.
Sạt lở đã làm cuốn trôi trên 20ha đất bãi trồng hoa màu của người dân, đe dọa trực tiếp đến an toàn của 18 nhà dân, ảnh hưởng đến trên 300 hộ dân xã Thanh Minh và phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ.
Sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở. Đến tháng 9.2023, công trình kè khẩn cấp trị giá 100 tỉ đồng đã được khởi công, đầu năm 2024 thì hoàn thành.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, diễn biến mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ phụ thuộc vào chế độ vận hành của thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang, cần cập nhật các bản tin tiếp theo của cơ quan khí tượng.