MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây gỗ bị cưa thành khúc ở tiểu khu 758. Ảnh: HƯNG THƠ

“Lửa cháy” dưới chân núi Pa Nuoh

LÂM HƯNG THƠ LDO | 16/10/2018 08:15
Nếu theo bản đồ của xã có trụ sở bên này dòng sông Đakrông, thì tiểu khu 758 - nơi từng là cánh rừng với những cây gỗ lớn, quý hiếm - sẽ thuộc quản lý của xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

Ngược lại, xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm bên kia dòng sông, cũng lật bản đồ và khẳng định tiểu khu nói trên nằm sâu trong địa giới hành chính của Hồng Thủy. Dù có đến 2 xã nhận quản lý, nhưng không rõ từ bao giờ, nhiều diện tích rừng tại tiểu khu 758 đã bị xén trụi.

Những cây gỗ của rừng già Pa Nuoh còn đâu

Từ khu dân cư thôn A Bung (xã A Bung) qua thôn 7 (xã Hồng Thủy), đi môtô vượt qua những ngọn đồi lởm khởm đá, theo đường mòn khoảng hơn 1 giờ là đến tiểu khu 758. Nơi này được đánh dấu là rừng tự nhiên, nhưng thực tế chỉ còn lác đác vài cây gỗ. Tuy nhiên, ở dưới chân núi Pa Nuoh, ngay bên đường mòn, không ít cây gỗ lớn đã bị đốn hạ từ trước, được cưa ngắn rồi xẻ thành từng hộp. Cây gỗ đã khô, nhưng mùn cưa còn mới, chứng tỏ việc xẻ gỗ, vận chuyển ra khỏi cửa rừng vừa mới diễn ra.

Để xẻ gỗ, các đối tượng lựa chọn những tấm gỗ phẳng, cố định lại để làm giá đỡ. Vì cây gỗ lớn, nên chỉ những hộp gỗ vuông được đưa đi, nhiều khúc gỗ khác chưa được xẻ vẫn nằm bên đường. Trực chỉ núi Pa Nuoh, vượt qua những phiến đá phủ rêu, chúng tôi bắt gặp la liệt cây gỗ có đường kính vài người ôm không xuể bị cưa hạ. Đôi chỗ, xuất hiện các thanh gỗ đã được xẻ hộp, dấu vết không còn mới, nhưng không được vận chuyển mà nằm mục ruỗng giữa lối mòn. Cách đó không xa, nhiều cây gỗ lớn lại bị xẻ, lấy đi hết các hộp gỗ, chỉ còn phần bìa, vỏ lãi bên ngoài với chiều rộng hơn cả sải tay người lớn. Thoạt nhìn thì cứ nghĩ, rừng tự nhiên tại tiểu khu 758 dưới chân núi Pa Nuoh chỉ là… rừng chuối hoang. Nhưng những cây gỗ bị đốn hạ còn sót lại cho thấy, nơi này từng là một khu rừng già thực sự, rồi dưới bàn tay phá hoại, rừng dần dần “biến chất”.

Ai đốt chốt bảo vệ rừng?

Cuối tháng 9, đầu tháng 10.2018, UBND xã A Bung đã dựng một chòi gỗ dưới chân núi Pa Nuoh. Khi hoàn thành, xã giao lại cho 47 hộ dân thôn A Bung (có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng) quản lý. “Theo chỉ đạo, chúng tôi làm 3 chòi bảo vệ rừng, đặt ở 3 thôn Cựp, A Bung và La Hót, mỗi chòi trị giá 15 triệu đồng. Riêng chòi giao cho thôn A Bung quản lý nằm tại tiểu khu 758, đặt ngay dưới chân núi Pa Nuoh, cạnh đường mòn nơi có nhiều cây gỗ đã bị hạ” - ông Hồ Văn Pườm - Chủ tịch UBND xã A Bung, nói.

Tuy nhiên, ngày 3.10, chòi canh bị xô đổ, đến 4.10 lực lượng xã A Bung vào dựng lại chòi thì có đoàn 10 người, do lãnh đạo xã Hồng Thủy dẫn đầu, yêu cầu dừng việc dựng chòi. “Chúng tôi giải thích chòi nằm trong địa phận do xã quản lý và tiếp tục công việc. Ngày 5.10, xã Hồng Thủy gửi giấy mời yêu cầu lãnh đạo xã A Bung đến làm việc, nhưng do bận đi công tác nên chúng tôi gọi điện xin khất lại” - ông Pườm, thông tin. Đến sáng ngày 6.10, chòi canh bảo vệ rừng nói trên bị phá hư hỏng. Cùng thời điểm này, khi người dân thôn A Bung đến gần chòi, phát hiện khoảng 10 xe môtô và nhiều lãnh đạo xã Hồng Thủy đứng cách vị trí chòi 500 mét; 3 người cách chòi khoảng 50 mét, trong đó có ông Hoàng Văn Diệu - Chủ tịch Mặt trận xã Hồng Thủy. “Khi hoàn thành và giao cho 47 hộ dân, già làng thôn A Bung đã đến cúng theo phong tục tập quán để đưa vào sử dụng. Việc chòi bị phá gây thiệt hại tiền của Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác giữ rừng và còn đụng chạm đến vấn đề tâm linh của đồng bào Pa Cô ở nơi này. Vì vậy, người dân rất bức xúc” - ông Pườm, cho biết thêm.

Ông Hoàng Tô Ni Soan - Phó Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy nói, xã A Bung đã dựng chòi trên phần đất của một hộ dân thuộc thôn 7 của xã Hồng Thủy. “Địa điểm đó nằm sâu trong địa giới hành chính của xã Hồng Thủy, do xã quản lý” - ông Ni Soan, khẳng định. Liên quan đến việc phá chòi canh, ông Ni Soan thông tin rằng, do chòi dựng trái phép trên đất của hộ ông Hồ Văn Diên (thôn 7, xã Hồng Thủy), nên ông Diên đã đến tháo chòi. Còn việc chòi bị cưa đổ, bị đốt thì xã chưa xác định được đối tượng.

Sau gần 10 ngày kể từ khi chòi canh bảo vệ rừng của xã A Bung bị phá, chúng tôi có mặt tại hiện trường. Địa điểm đặt chòi cạnh đường mòn dẫn vào khu vực còn nhiều cây gỗ đã bị cưa đổ, bị cưa xẻ. Chòi làm bằng gỗ, mái lợp tôn kẽm khá vững chãi đã bị cưa chân, xô nằm rạp xuống. Những tấm ván được cố định bằng đinh bị gỡ ra, khiến chòi trống hoác. Đặc biệt, các thanh gỗ lớn ở dưới nền chòi, khung chòi bị cưa máy xẻ ngang, xẻ dọc hư hại; tấm biển “Đội bảo vệ rừng” bị đốt cháy rụi, đóng đinh trông rất phản cảm. Sau khi phá hư hỏng toàn bộ chòi, đối tượng còn tưới xăng, châm lửa đốt, nhưng gỗ ở chòi còn tươi, nên đám cháy không thiêu rụi được.

Dù ngọn lửa đốt chòi canh bảo vệ rừng dưới chân núi Pa Nuoh không đủ sức thiêu rụi nó, nhưng người dân và thậm chí là cả chính quyền hai xã A Bung và Hồng Thủy đã nung nấu sự phẫn nộ. Nếu không được xoa dịu, không được giải quyết sớm, sự việc có thể sẽ đi xa hơn…

Ngày 22.11.1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 762/TTg xác định đường ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Trên cơ sở đó, ngày 21.4.1998, lãnh đạo 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cùng nhau lập biên bản thống nhất việc triển khai hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có nêu: “Tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chuyển giao nguyên trạng xã Hồng Thủy (bao gồm cả vùng đất Đông Sơn, xã Hồng Thủy cũ) thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế về huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị quản lý. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, người dân xã Hồng Thủy có kiến nghị được tiếp tục sinh hoạt ổn định ở tỉnh Thừa Thiên Huế, vì vậy đến nay vẫn tồn tại việc tranh chấp địa giới hành chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn