MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Phú Yên Trần Hữu Thế cho rằng việc liên kết vùng còn rời rạc, chưa hiệu quả.

“Luật hóa” liên kết vùng để tránh hình thức, gói ghém riêng

Hữu Long LDO | 24/06/2022 14:24

Khánh Hòa - Thực tế việc liên kết vùng, tiểu vùng hiện nay mới chỉ dừng lại ở câu chuyện hô hào, hình thức, thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc. Nhiều địa phương đề xuất Quốc hội cần ra Nghị quyết, “luật hóa” các quy định để điều phối liên kết vùng…

Những vấn đề này đã được đặt ra tại tọa đàm Liên kết phát triển Tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới sáng 24.6, tại Khánh Hòa, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. 

Liên kết vùng còn rời rạc

Lần đầu tiên, lãnh đạo 4 tỉnh gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngồi lại cùng nhau, thẳng thắn chia sẻ thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức liên kết vùng, tiểu vùng Nam Trung Bộ.  

Có một sự thật mà các vị lãnh đạo thừa nhận chính là liên kết vùng còn rời rạc, mỗi địa phương tập trung gói ghém riêng mình.

4 lãnh đạo các tỉnh Nam Trung Bộ ngồi lại nói về liên kết vùng.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, hiện tỉnh đang có một mục tiêu là trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tầm nhìn năm 2030.  

Trước ý kiến cho rằng nên chăng quá trình trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận sẽ là thành phố vệ tinh của Khánh Hòa... Việc này, ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng còn quá xa và chưa thể nói trước!

Còn ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thừa nhận, có thời điểm, khâu quy hoạch của các tỉnh chỉ tập trung cho địa phương mình, chưa có không gian liên kết.

Tuy vậy, đến nay khi bối cảnh đã thay đổi, các địa phương tiểu vùng Nam Trung Bộ đã nhận thức rõ tính tất yếu của liên kết vùng.

Ông Nguyễn Hoài Anh – Chủ tịch Bình Thuận dẫn chứng như tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã phối hợp để giải tỏa làm cao tốc, hay có hệ thống kênh tiếp nước thì có thể điều phối chung để có nước sinh hoạt trong mùa khô hạn.

Buổi tọa đàm có đại biểu đặt vấn đề liên kết vùng theo kiểu “vượt vùng”. Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận dẫn chứng như việc địa phương kết nối chương trình hợp tác trong lĩnh vực y tế với TPHCM.

“Trước đây bệnh viện chúng tôi nhỏ nhoi, nhưng nhờ hỗ trợ của Bộ Y tế, TPHCM, chúng tôi đã có bệnh viện hạng 1, nâng cao năng lực y tế và nhân sự” – ông Trần Quốc Nam thông tin thêm.

Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam (ở giữa) phát biểu.

Cần luật hóa liên kết vùng

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm, để tăng tính ràng buộc liên kết vùng, cần có Nghị quyết về liên kết vùng.

“Nên chăng chúng ta cũng có Nghị quyết về liên kết vùng trong quá trình thực hiện. Trong Nghị quyết này, vai trò của Ban Cán sự Đảng, Hội đồng vùng là điều quan trọng và xuyên suốt” – ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin.

Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đề xuất cần có Nghị quyết về liên kết vùng.

Các lãnh đạo tiểu vùng Nam Trung Bộ cùng suy nghĩ đến việc đề xuất Quốc hội ban hành luật liên kết vùng, hoặc phát triển vùng.  

“Cơ chế về hội đồng điều phối vùng cũng cần cân nhắc, cần đưa vào luật, nếu không trái với hiến pháp thì điều chỉnh luật tổ chức chính quyền địa phương. Mục tiêu là hội đồng đủ pháp lý để triển khai thực hiện” -  ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ KHĐT nêu quan điểm.

Ông Trần Duy Đông cũng đưa ra giải pháp của liên kết vùng. Trước mắt cần lập một quy hoạch vùng là trung tâm để điều tiết liên kết vùng. Thứ 2 là kiện toàn bộ máy chức năng thẩm quyền theo hướng Hội đồng vùng như Vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn