MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đại biểu của Uỷ ban Về các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho rằng dự luật Luật PCTHCRB chưa thực sự hiệu quả nếu được áp dụng. Ảnh: T.T

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia - Bộ trưởng Bộ Y tế: Giảm tính tiếp cận của người dân với rượu, bia

THUỲ TRANG LDO | 12/10/2018 09:55

Sáng 11.10, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB). Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn trong nội dung các điều của dự án luật, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, sẽ điều chỉnh bằng mọi cách để Quốc hội thông qua Luật PCTHCRB càng sớm càng tốt.

Còn nhiều mặt phải cân nhắc

Trước những báo cáo của Bộ Y tế về dự án luật này, ông Nguyễn Quang Tuấn - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội có ý kiến, việc tăng thuế, tạo ra rào cản về tài chính để cảnh báo tác hại của bia, rượu nhưng vô tình điều này lại tạo điều kiện cho việc nhập lậu, sản xuất rượu lậu tăng lên. Theo thống kê thì đơn vị sản xuất rượu đăng ký kinh doanh chỉ có 10%, còn lại 90% là rượu nấu thủ công nên cần phải kiểm soát tốt cả hai mặt.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Khánh Phong Lan - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cũng cho rằng: “Chúng ta chưa có giải pháp phòng chống rượu lậu, rượu giả thì e rằng luật này đưa ra dễ trở nên không hiệu quả, hoặc là chúng ta chỉ kiểm soát nhưng không chính thức. Bên cạnh đó nếu ý thức của người chưa đi tới đâu thì luật ra đời cũng không có tác dụng gì”.

Một vấn đề khác bà Lan đề cập đến là việc bán rượu internet khiến người dân dễ tiếp cận với rượu nhưng liệu có cấm được hay không? “Một nội dung cần rút kinh nghiệm từ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đó là việc tịch thu hàng lậu cần phải tiêu huỷ chứ không thể cho tái xuất. Bởi doanh nghiệp chân chính đã chấp nhận đóng thuế cao, ít quảng cáo thì phải tạo điều kiện cho họ kinh doanh chứ không thể tái xuất hàng lậu rồi lại đưa về tay người dân” - bà Lan góp ý.

Luật “phòng, chống tác hại” chứ không cấm sản xuất, kinh doanh

Giải trình tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu các ý kiến, bà Tiến nhấn mạnh, Bộ Y tế và cả uỷ ban sẽ bàn luận điều chỉnh như thế nào để có sự đồng thuận cao nhất bởi “Việc cho ra đời Luật PCTHCRB là điều hết sức cần thiết. Thậm chí là phải ra đời từ rất sớm rồi chứ không phải bây giờ” - bà Tiến nói.

Về tính cần thiết của luật này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là nước tiêu thụ bia, rượu hàng đầu thế giới và bệnh tật từ bia, rượu cũng rất nhiều, tác hại của rượu bia trong việc gây ra tai nạn giao thông đang ở mức báo động. Trong khi đó, thu nhập của người dân vẫn còn thấp. Vì vậy, khi được giao soạn thảo dự án luật này, Bộ Y tế hướng đến một mục đích là phòng chống tác hại của rượu bia chứ không hề muốn phá hoại nền ẩm thực hay việc sản xuất kinh doanh.

Về phạm vi của Luật phòng chống tác hại rượu bia, bà Tiến nhìn nhận, luật sẽ đụng chạm rất nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp trong vấn đề không được quảng cáo quá nhiều, không được bán 24/24 nhưng luật không cấm sản xuất, không ảnh hưởng đến việc kinh doanh mà chỉ cố gắng giảm tính tiếp cận của người dân với rượu, bia, từ đó giảm tác hại lên sức khoẻ con người.

“Hiện nay đã có hơn 100 nước, kể cả những nước có nền sản xuất rượu bia lâu đời trên thế giới đã có luật này. Thậm chí luật đã thể hiện sự hiệu quả như tại Thái Lan, sau khi ban hành luật đã giảm 50% tử vong tai nạn giao thông do rượu, bia.

Và cũng giống như Luật Phòng chống thuốc lá 5 năm trước, nếu không được ban hành thì hiện nay tỉ lệ ảnh hưởng của thuốc lá với người dân Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều bây giờ. Vấn đề về rượu thủ công là điều rất khó khăn nhưng khó vẫn phải làm, rồi điều chỉnh tiếp. Những ý kiến của Uỷ ban, Bộ Y tế sẽ tiếp thu, cái gì được chúng ta giữ lại, cái gì chưa được sẽ điều chỉnh để sau khi ra Quốc hội, Luật phòng chống rượu bia sẽ được thông qua” - bà Tiến nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn