MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gia đình buộc phải thuê giúp việc theo giờ do bị ô sin “bỏ bom” dịp sau tết. Ảnh: T.C.A

Lục đục vì “cháy” ô sin sau tết

HUYÊN NGUYỄN LDO | 23/02/2018 09:48
Trước tết, người giúp việc (ô sin) về quê sớm, ra tết lên muộn khiến nhiều gia đình lo lắng. Không những thế, sau tết, nhiều gia đình lại bị các ô sin “bỏ bom”.

Nhiều giúp việc tìm đủ lý do, từ việc nhà có giỗ, chồng ốm, con đau, bận đi cấy… cho tới bản thân bị tai nạn chỉ để thoái thác việc tiếp tục lên giúp việc hay “làm giá” hoặc tìm chủ khác có mức lương cao hơn. Sự việc dù đến hẹn lại lên nhưng không khỏi khiến cho nhiều gia đình đau đầu, thậm chí đôi vợ chồng lục đục.

Ô sin “lặn mất tăm”

Đã thành thông lệ, đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán là nhiều gia đình lại nháo nhác vì ô sin lên muộn hay thậm chí là “lặn mất tăm”. Buổi đi làm đầu tiên sau tết, trong lúc đồng nghiệp hào hứng đi liên hoan thì nhiều ông bố, bà mẹ trẻ nhấp nha nhấp nhổm chỉ muốn mau chóng về nhà vì không có người trông trẻ. Chị Ngô Thanh (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: Dịp tết luôn là thời kỳ cao điểm của dịch vụ giúp việc gia đình. Tình trạng cầu lớn hơn cung khiến cho ô sin dịp này được cho là đắt giá. Biết vậy, trước tết, để níu chân ô sin, chị đã chuẩn bị quà cáp đầy đủ và còn thưởng thêm 3 triệu đồng. Vậy mà, trái với lời hứa “chắc như đinh đóng cột” là mùng 5 tết sẽ lên làm việc, chỉ ngay sau khi về quê, người giúp việc đã thông báo không tiếp tục lên làm việc nữa vì một lý do không biết có nên tin như “chồng không cho lên thành phố làm nữa” (?)

Còn chị Vân Anh (Hà Đông, Hà Nội) cũng thấp thỏm không kém khi người giúp việc hứa, sáng mùng 6 sẽ lên sớm để vợ chồng kịp đi làm mà đợi mãi không thấy đâu. Không được may mắn như chị Thanh, chị Vân Anh còn có những lời hứa hẹn, gia đình anh Trần Nguyên (Hoài Đức, Hà Nội) còn không thể liên lạc được với ô sin. Anh Nguyên cho biết, vợ chồng anh từ miền Trung ra Hà Nội lập nghiệp nên con cái đều do ô sin chăm sóc, nhưng trải qua nhiều kì tết, vợ chồng anh cũng quen với việc phải tìm ô sin sau nghỉ tết. “Phần lớn ô sin đều xuất thân từ nông thôn và chỉ coi làm ô sin như một công việc tạm thời. Nhiều người sau tết cũng có những kế hoạch khác hoặc tìm gia đình khác có lời hứa hẹn vì thu nhập cao hơn. Họ thường không nghe máy, im thin thít và lặn mất tăm khiến cho gia chủ không thể liên lạc được. Hoặc, lịch sự hơn, họ gọi điện xin nghỉ việc. Cũng có người mặc cả, ăn tết qua Rằm tháng Giêng mới lên. Nhiều gia đình, trong thời gian chờ đợi tìm được người giúp việc lên đã chấp nhận thuê người dọn dẹp theo giờ với mức phí cao hơn gấp nhiều lần”.

Vợ chồng trục trặc vì ôsin “chưa khai xuân”

Ô sin nghỉ việc, khó khăn đổ lên đầu gia chủ, nhất là người phụ nữ. Chị Nguyễn Hà (Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Ô sin lên muộn, chị chấp nhận phải xin nghỉ phép ở nhà, thậm chí trừ thi đua để trông con vì không còn cách nào khác. Vợ chồng chị Hà đều là công chức, viên chức nhà nước, theo lịch cơ quan thì mùng 6 tết đã phải đi làm nên phải phân chia lịch trông con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, đôi lúc “cơm không lành, canh không ngọt” vì ai cũng có việc quan trọng.

Chị Nguyễn Thị Du (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) than phiền: “Mùng 6 tết, trong khi lịch đi làm đã đến mà ô sin chưa “khai xuân” nên mọi việc trong gia đình tôi cứ rối tung cả lên. Nhiều khi vợ chồng còn nặng lời với nhau vì con đã quen sự giúp đỡ của ô sin trong ăn uống, sinh hoạt nên vắng ô sin là chúng quấy khóc”.

Còn chị Trịnh Thu Huyền (Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) còn tỏ ra bức xúc hơn khi mới 25 tết, người giúp việc đã đòi về quê. Ngoài 4,5 triệu tiền lương, gia đình chị còn thưởng thêm cho 1,5 triệu đồng, nhiều bánh kẹo, quần áo... Ngoài ra, còn cho ứng thêm tháng lương đầu năm mới để về sắm tết. Để “nịnh” ô sin, chị Huyền chấp nhận điều kiện đó. Thế mà, theo hẹn, ngày mùng 5 (âm lịch) ô sin sẽ lên làm nhưng đến mùng 6 vẫn không thấy đâu. Sau nhiều cuộc điện thoại, chị Huyền mới nhận được câu trả lời của người nhà thông báo bảo không đi nữa. Việc này khiến gia đình chị không biết xoay xở ra sao và đòi lại tiền đã ứng thế nào.

Nhiều gia đình cũng thường xuyên phải đau đầu với ô sin. Người thì phàn nàn ô sin chậm chạp, nấu ăn không ngon. Người được ô sin nhanh nhẹn thì nay đòi hỏi thế này, mai đòi hỏi thế khác, hạch sách hơn cả chủ nhà. Câu chuyện về khan hiếm ô sin dường như trở thành nỗi lo lắng của nhiều gia đình vào dịp tết. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi lẽ, các chủ gia đình cũng quá chủ quan trong thỏa thuận làm việc. Hầu hết chỉ hợp đồng miệng nên dẫn đến các ô sin không chấp hành theo thỏa thuận ban đầu, thậm chí lừa đảo khiến các gia đình đành ngậm đắng nuốt cay, tìm cách xoay xở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn