MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1.7.2022 thay vì từ ngày 1.7.2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Lùi thời gian cải cách tiền lương sang tháng 7.2022: Có thời gian đổi mới

Cao Nguyên LDO | 13/10/2020 08:03
Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành với kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1.7.2022 thay vì từ ngày 1.7.2021. Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - cho rằng, lùi lại như vậy, cơ quan chức năng có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản, xây dựng hệ thống lương cơ sở mới.

Lùi thời điểm cải cách

Theo Nghị quyết 27 ngày 21.5.2018 được Ban Chấp hành Trung ương ban hành tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương là ngày 1.7.2021. Nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, diễn ra từ ngày 5-9.10.2020, Ban Chấp hành Trung ương đã tán thành với kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là ngày 1.7.2022, chậm một năm so với mục tiêu nêu trong Nghị quyết 27.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách và theo đúng quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 27.

Chia sẻ với Lao Động về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho rằng, cải cách tiền lương là câu chuyện dài, được bàn thảo khá lâu, thậm chí được đưa cả vào Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách tiền lương. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan nên việc lùi thời gian cải cách trong thời điểm này là chấp nhận được.

Ông Huân cho hay, cải cách tiền lương không phải là tăng lương, cũng không phải là hướng lương khu vực công tiệm cận với khu vực tư. Về bản chất, cải cách tiền lương phải đảm bảo tính đồng bộ, sự công bằng, từ đó tạo ra sự đột phá về bức tranh tiền lương và động lực để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Do tình hình khó khăn do dịch bệnh, ngân sách chuẩn bị nguồn cho khu vực hành chính sự nghiệp khó khăn chung nên phải chia sẻ” - ông Huân nói và cho biết thêm, trong thời gian lùi lại như vậy, cơ quan chức năng có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản, xây dựng hệ thống lương cơ sở mới.

Thực tế, một số bộ phận, công chức, người lao động cũng khó khăn, nhưng vì điều kiện khách quan thì cũng chia sẻ để hình thành khối ngân sách đủ mạnh. Ông Huân nói rằng, muốn cải cách tiền lương phải tạo nguồn, xác định đi đôi với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng suất lao động.

Chia sẻ để thực hiện mục tiêu kép

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - cho rằng, khi Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép thì chúng ta nên đồng lòng chấp nhận thêm một thời gian.

“Vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế không hề đơn giản chút nào. Chúng ta đang giữ được như hiện nay là quá tốt rồi. Nên phải hy sinh, đồng lòng với Chính phủ. Cải cách tiền lương có thể chậm lại chút chứ đồng thời rất khó” - PGS.TS Bùi Thị An nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Vương - chuyên gia lao động, tiền lương - cho biết, cải cách tiền lương ở các quốc gia khác trên thế giới đều được nhấn mạnh là đặt trong điều kiện bình thường. Khi có những biến cố, hoặc có những cú sốc của xã hội, quốc gia đó phải ưu tiên để xử lý các biến cố.

“Căn cứ để tăng tiền lương là tăng về phát triển kinh tế, thứ hai là tăng về giá, thứ ba là tăng về phúc lợi xã hội” - ông Vương nhấn mạnh. Vị chuyên gia này nói thêm, về lộ trình tăng lương, cải cách tiền lương lùi lại chứ không phải bỏ nên sau khi kinh tế phục hồi, kinh tế đã vững, có nguồn, chúng ta sẽ đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương cũng chưa muộn.

Cũng theo vị này, nếu nói về phát triển kinh tế, rõ ràng năm nay do tác động của dịch bệnh, nền kinh tế của nước ta đang tăng trưởng chậm. Thứ hai là về giá cả, thực chất cũng không tăng nhiều (trừ 1-2 mặt hàng). Thứ ba là phúc lợi xã hội, về vấn đề này thì Chính phủ cũng đang làm tốt sự chia sẻ lại. Trong cuộc đua thì 1/3 chặng đường đầu có thể chạy chậm đi, 2 chặng sau đẩy nhanh tốc độ vẫn có thể về đích đúng hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn