MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Đà Lạt bị ngập úng. Ảnh: Khánh Phúc

Lượng nước mưa tại chỗ diễn ra cấp tập khiến Đà Lạt ngập lụt cục bộ

Mai Hương LDO | 24/09/2023 17:57

Những năm gần đây dưới tác động của tốc độ đô thị và tình hình mưa lớn kéo dài, TP Đà Lạt đã phải đối mặt với những hậu quả đáng kể do sạt trượt và ngập lụt.

Hiện tượng ngập lụt và sạt lở đất tại Đà Lạt

Tại Hội thảo "Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống sạt lở đất, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng", ThS.KTS. Trần Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng đã đề cập đến hiện tượng ngập lụt và sạt lở đất tại Đà Lạt.

TP Đà Lạt đã từng có hiện tượng "ngập lụt cục bộ" trước và sau năm 1975. ThS.KTS. Trần Đức Lộc lấy ví dụ một vài trận ngập lụt điển hình, như: Các trận ngập lụt tại khu "Xóm Sình" giữa đường Mạc Đĩnh Chi và Hoàng Diệu (phía đầu nguồn thác Cam Ly) trong các năm 1972 - 1973; trận lụt ngày 25.8.2014 nhấn chìm một phần khu dân cư phường 10 và phường 3 (từ thượng nguồn thác Prenn kéo dài đến xã Hiệp An – huyện Đức Trọng); các trận ngập lụt trong trung tâm TP Đà Lạt ngày 1.9.2022 tại khu vực đường Phan Đình Phùng, Hải Thượng, Tô Ngọc Vân, Phạm Hồng Thái và Trần Quốc Toản… và tái diễn tình trạng này trong tháng 6.2023.

TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung đã từng xảy ra các vụ sạt lở đất. Trong tháng 7.2023, một hiện tượng đặc biệt đáng quan ngại: Đó là tình trạng "sụt lún đất" với phạm vi rộng và tác hại lớn, tại 2 dự án: "Đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc" (tại phường Lộc Sơn) và "Hồ chứa nước Đông Thanh" (thuộc xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà).

Ngày nay, cùng với tác động của "Biến đổi khí hậu toàn cầu" nên tần suất mưa và số ngày mưa nhiều hơn các năm trước, những cơn mưa lại kết thúc nhanh hơn, vũ lượng mưa trong những ngày cao điểm tăng mạnh, mực nước mưa ngày càng dâng cao hơn trước. Mặc dù tổng lượng mưa trong năm có thể tăng hoặc giảm không lớn, thời tiết năm nào cũng có hiện tượng sương muối và mưa đá nặng hạt…

Vụ sạt lở ở Đà Lạt khiến 2 người tử vong mới đây. Ảnh: Hữu Long

Chọn lựa giải pháp đúng tầm và khả thi nhất

Theo ThS.KTS. Trần Đức Lộc, tình trạng "ngập lụt cục bộ" của Đà Lạt, Bảo Lộc và các đô thị miền núi nói chung có nguyên nhân do lượng nước mưa tại chỗ diễn ra cấp tập, lại không được thu hứng từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại chỗ, nên nguồn nước mưa chảy tràn tự nhiên trên bề mặt của địa hình.

Đối với các đô thị miền núi, tại các vị trí "sườn đồi - dốc đứng" có độ chênh cao lớn, địa hình cách biệt đột ngột, khi nguồn nước mưa không được ngăn chặn từ trên cao, gặp phải thềm đất đã có những tác động nhất định của con người do sản xuất nông nghiệp và nhu cầu xây dựng, sẽ thấm ngập vào đất và trôi tự do theo địa hình, tạo nên những xung lực rất lớn từ đất, nước và gây ra sự càn phá ghê gớm nơi vùng thấp trũng…

ThS.KTS. Trần Đức Lộc cho rằng, khi đã xác định nguyên nhân có vai trò tác động từ con người, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát mọi hành vi của các tổ chức và cá nhân trong quá trình quản lý và sử dụng đất, từ đất rừng, đất nông nghiệp và đất xây dựng, đến quản lý đầu tư - phát triển đô thị "sau quy hoạch" và quản lý trật tự xây dựng tại thực địa…

Nhà nước kiểm soát các hành vi của con người tác động lên đất, nước và địa hình bằng các định hướng và giải pháp quy hoạch chuyên ngành; cùng với các Quy chuẩn kỹ thuật và các quy định quản lý về trình tự, thủ tục hồ sơ.

Tại Đà Lạt, đối với các khu vực đã được quy hoạch định hình là "khu nhà ở" trên địa hình thềm đất dốc, có nhu cầu san lấp đất để tạo mặt bằng xây dựng ổn định, buộc phải có giải pháp thiết kế bạt mái ta luy đất hoặc xây kè chắn đất.

Theo ThS.KTS. Trần Đức Lộc, quan trọng hơn cả là biết chọn lựa giải pháp đúng tầm và khả thi nhất để Đà Lạt sớm có lộ trình đi dần đến đích hoàn thiện, trong điều kiện vừa đáp ứng được nhu cầu xây dựng của nhân dân, vừa thỏa mãn tính bền vững lâu dài trong chính sách phát triển đô thị Đà Lạt hướng đến "Thành phố Di sản - Sáng tạo - Thông minh và Bản sắc"…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn