MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lương thấp khiến nhiều gia đình công nhân không dám chi mạnh cho con học hành vì thu nhập eo hẹp. Ảnh: Minh Hương

Lương thấp ảnh hưởng tới việc học của con công nhân

Minh Hương LDO | 06/05/2022 10:24

Theo báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - có 17,4% người lao động có con dưới 18 tuổi tham gia khảo sát cho biết, hiện tại con đang không ở cùng cha mẹ. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là tiền lương và thu nhập không đủ để gửi trẻ hoặc cho con đi học tại địa phương nơi làm việc.

Gửi con về quê để tiết kiệm chi phí

Có 2 con đang độ tuổi học mẫu giáo và cấp 1, tháng 4.2022, chị Hoàng Thị Luyến phải gửi con trai thứ 2 về quê Cao Bằng cho ông bà chăm nom. Chị Luyến là công nhân công ty linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội); chồng lái xe ôm công nghệ.

Chị Luyến nói, xa con là điều không bố mẹ nào muốn, nhưng vì điều kiện không cho phép, chị mới phải để con về quê.

Nhớ lại đợt dịch căng thẳng, chị Luyến phải ngưng việc hơn 1 tháng, giãn cách xã hội chồng chị cũng không có việc. Thời gian đó, vợ chồng chị liên tục “cháy túi”, phải vay mượn thêm từ anh em họ hàng.

Khi tình hình dịch ổn định, học sinh được đến trường học trực tiếp, chị Luyến tốn thêm 1,8 triệu đồng tiền gửi bé thứ 2 và 800.000 đồng tiền học phí cho con gái đầu. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng ở mức 17 triệu đồng/tháng, trong đó tiền thuê trọ hàng tháng 1,1 triệu đồng (bao gồm điện nước); ăn uống 5 triệu đồng; xăng xe 1,8 triệu đồng... Chị Luyến cho biết, dù 2 vợ chồng có “cày cuốc” tối ngày thì tiền cũng không thể nhiều hơn. Để cắt giảm chi phí, chị Luyến đành gửi con trai về quê.

Cũng theo Viện Công nhân và Công đoàn, tiền lương còn ảnh hưởng tới chi phí học hành của con cái công nhân. Có hơn 58,9% công nhân lao động được khảo sát cho biết tiền lương không đủ để đảm bảo đầy đủ chi phí học hành cho con cái. Đối với nhóm công nhân có trên 2 con thì có tới hơn 67,4% trả lời như vậy.

Không đủ khả năng cho con học bài bản

Xa quê làm công ty, công nhân chịu rất nhiều khoản chi phí trong khi thu nhập chỉ đảm bảo ở mức đủ sống. Do vậy, để con cái được học hành bài bản là điều nằm ngoài khả năng của nhiều gia đình công nhân.

“Bây giờ bọn trẻ đi học, không phải chỉ học các môn trên lớp là xong. Các con còn phải học thêm tiếng Anh, học các kỹ năng khác như bơi lội, võ thuật... Nếu đầu tư cho con học hành, công nhân chúng tôi không thể đủ khả năng” - anh Nguyễn Văn Mạnh - công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Đông Anh) nói.

Có thâm niên làm công nhân lâu năm, lương và phụ cấp của anh Mạnh ở mức 8 triệu đồng/tháng, nếu được tăng ca, thu nhập lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng; vợ anh cùng làm công ty, lương ở mức 8 triệu đồng/tháng nếu làm thêm giờ.

Anh chị có 2 người con (lớp 4 và lớp 1). Anh Mạnh cho hay, gần 20 triệu đồng ở quê có thể là số tiền lớn, nhưng sống ở thành phố, nếu không tiết kiệm sẽ chẳng để dư được nhiều. Ngay cả chuyện học hành của con cái, dù rất muốn các con được học hành đầy đủ song anh cũng phải cân nhắc sao cho phù hợp với kinh tế gia đình. 

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho rằng, tiền lương thấp, nhiều công nhân không đủ để mua sữa cho con: Trong số những lao động tham gia khảo sát có con dưới 6 tuổi, 3,0% trả lời cho biết, chưa bao giờ mua sữa cho con uống. 5,5% nói họ rất ít khi mua sữa cho con và chỉ có 36,6% người mua sữa cho con uống thường xuyên.

Ngoài ra, 52,9% công nhân lao động đã lập gia đình trong mẫu khảo sát cho hay tiền lương thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh con. Cụ thể, 67,1% người lao động đã lập gia đình nhưng chưa có con nói rằng: Quyết định sinh con của họ bị chi phối bởi vấn đề tiền lương. Ở những người lập gia đình, có 1 con và đang cân nhắc sinh con thứ 2, đến 78,3% nêu lý do là vấn đề tiền lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn