MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần có tiêu chí rõ ràng để thu hút đúng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hải Nguyễn

Lương thấp, không biết trọng dụng sẽ khó thu hút nhân tài

Lan Nhi LDO | 10/08/2023 11:00

Dù đã có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, thế nhưng đến nay, hàng nghìn thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học hằng năm, vẫn không mặn mà với việc “đầu quân” làm công chức mà tìm đến khu vực doanh nghiệp tư nhân để có chế độ đãi ngộ và điều kiện phát triển tốt hơn.

Có chính sách nhưng thủ khoa không mặn mà

TP Hà Nội hằng năm đã tổ chức vinh danh những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc ở các trường Đại học.

Nếu đầu quân cho Hà Nội, các thủ khoa sẽ được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 14 HĐND TP Hà Nội về trọng dụng nhân tài như được hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu, sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận nhưng cũng phải cam kết làm việc cho thành phố 7 năm, nếu hưởng mức hỗ trợ.

Tuy nhiên, TP Hà Nội vẫn đang gặp khó trong việc tuyển dụng nhân tài vì chính sách hỗ trợ một lần của thành phố còn thấp.

Với chủ trương lớn đưa Đà Nẵng trở thành “thành phố đáng sống”, cuối năm 2022, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết 95/2022/NQ-HĐND xây dựng Chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025 với mức chi từ 50 - 200 lần mức lương cơ bản (khoảng từ 70 triệu đến gần 300 triệu đồng) để thu hút nguồn nhân lực, đội ngũ bác sĩ có trình độ cao trong lĩnh vực mũi nhọn.

Tuy nhiên, theo em Đỗ Khánh Vân (SN 2000, thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Hà Nội năm 2022), sau khi tốt nghiệp Đại học, em đã tìm hiểu và quyết định ứng tuyển vào làm cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Một số cơ quan Nhà nước dù trải thảm đỏ, tuyển dụng thẳng, nhưng em thấy còn nhiều bất cập vì họ thường tuyển dụng theo đợt. Hơn nữa dù đã có đãi ngộ nhưng mức lương cơ sở ở cơ quan Nhà nước so với mặt bằng chung vẫn thấp nên không đảm bảo để họ gắn bó, yên tâm cống hiến, công tác” - Khánh Vân nói.

Cho rằng, tiêu chí lựa chọn nhân tài còn nặng nề về bằng cấp, Bùi Thanh Huyền (thủ khoa đầu ra Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022) - chia sẻ, ngay sau khi ra trường em đã chọn ở lại làm trợ giảng của bộ môn nhãn khoa và ký hợp đồng với Trường Đại học Y Hà Nội.

Theo Thanh Huyền, nếu đối chiếu theo các tiêu chí, đến giờ nhiều thủ khoa đầu ra như Huyền khi nộp hồ sơ vào cơ quan vẫn phải xét duyệt như bình thường, chưa nhận được chính sách ưu đãi nói trên.

Nhân lực chất lượng cao rời khu vực công

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Sỹ Long - Phó Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh) - cho biết, từ năm 2018 đến nay, TP Hồ Chí Minh chưa tuyển được sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định 140/2017NĐ-CP.

Ông Nguyễn Sỹ Long phân tích, đây là nhóm thường được các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công tìm kiếm và mời gọi về làm việc với mức thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Do đó, các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hồ Chí Minh hiện nay rất khó khăn trong cả công tác phát hiện, tuyển chọn và giữ chân được đội ngũ này do các quy định pháp luật về chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập hiện hành đối với cán bộ, viên chức thấp hơn nhiều so với các đơn vị ngoài khu vực công.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - đề cập, vấn đề quan trọng không chỉ dừng lại ở việc phát hiện, thu hút, mà phải trọng dụng nhân tài như thế nào, môi trường làm việc ra sao, bố trí công việc phù hợp và tạo điều kiện làm việc cho nhân tài phát triển.

Ông Dĩnh phân tích, nếu lựa chọn tiêu chí học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc cũng nên kèm theo các công trình nghiên cứu khoa học của họ.

“Muốn thu hút được nhân tài thì phải biết cách trọng dụng nhân tài. Thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực công rất quan trọng vì đây là nơi hoạch định và thực thi các chính sách của một quốc gia, dân tộc” - ông Dĩnh đề cập.

Thống kê của Bộ Nội vụ đến cuối năm 2022 tại 37 cơ quan Trung ương và 58 địa phương, đã có 387 hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP, thu hút được 135 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 123 nhà khoa học trẻ vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 31.7.2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học xã hội, y tế, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...

Mục tiêu chiến lược đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỉ lệ nhân tài, thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.

Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, tỉ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025, đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn