MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thầy cô Trường Mầm non Khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Lương thấp, phải thuê trọ, giáo viên phấp phỏng chờ tăng lương

Đình Trọng LDO | 12/09/2020 08:16
Với mức thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, giáo viên trường mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp tại Bình Dương phải ở nhà trọ, tằn tiện chi tiêu mới đủ trang trải cuộc sống. Những ngày qua, nghe tin theo quy định mới (Nghị định 105/2020/NĐ-CP Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non) sẽ được hỗ trợ thêm 800.000 đồng/tháng, nhiều giáo viên mầm non vừa vui mừng, vừa phấp phỏng chờ đợi.

Tằn tiện mới đủ sống

Phường An Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương là một trong địa bàn đông công nhân lao động (CNLĐ) nhập cư sinh sống. Tại đây, ngoài trường công lập, còn hình thành nhiều nhóm trẻ, trường mầm non tư thục mới đáp ứng nhu cầu gửi con của CNLĐ.

Gắn bó ở Bình Dương hơn 10 năm với công việc là giáo viên mầm non, tuy nhiên mức lương của cô Nguyễn Thị Hạnh (37 tuổi, ngụ Bình Dương, Trường Mầm non Búp Sen Hồng II) mới được 6,5 triệu đồng/tháng. Cô Hạnh cho biết, với mức lương này mọi năm thu nhập đều, cố gắng trang trải thì cũng đủ lo cho bản thân. Tuy nhiên năm nay, qua mấy tháng dịch bệnh COVID-19, nên trường tư như của cô chỉ lo được cho giáo viên mức lương căn bản.

“Thực sự với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ lo cho bản thân một cách tằn tiện.

May mắn là tôi đã có gia đình, ông xã thu nhập ổn định nên bớt áp lực. Những giáo viên khác ở trọ thì khó khăn hơn” - cô Hạnh cho biết.

Cùng dạy ở Trường Mầm non Búp Sen Hồng II, do mới vào làm nên mức lương của cô Nguyễn Thị Loan (38 tuổi) chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Cô Loan ở trọ nên cuộc sống khá vất vả. “Thời gian nghỉ dạy do giãn cách xã hội nên thu nhập giảm, trong khi hằng tháng tôi vẫn đóng 1,4 triệu đồng tiền trọ, 2 triệu đồng tiền học cho con và nhiều khoản chi tiêu khác” - cô Loan chia sẻ.

Khi hay tin, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (KCN) sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng, cô Hạnh và cô Loan tỏ ra bất ngờ và vui mừng. “Nghe tin này, tôi rất mừng bởi mấy tháng gần đây, thiếu trước hụt sau, phải tằn tiện chi tiêu lắm mới vượt qua” - cô Loan nói.

Thị xã Bến Cát cũng là một trong những địa bàn có nhiều KCN, đông CNLĐ nhập cư ở Bình Dương. Trong KCN Mỹ Phước 1, Công ty Yazaki EDS Việt Nam đã đầu tư mở Trường Mầm non Vàng Anh để nuôi dạy con CN của công ty. Làm việc tại đây, cô Lê Châu Thị Đông chỉ có thu nhập 5,15 triệu đồng/tháng, nếu được phân công tăng ca thêm (giữ trẻ từ 17h-22h khi CN tăng ca) thì được gần 6 triệu đồng/tháng. “Hôm qua nghe cô hiệu trưởng chia sẻ thông tin trên, tôi rất mừng và mong sẽ sớm nhận được khoản hỗ trợ thêm này” - cô Đông bày tỏ.

Mầm non tư giảm áp lực trường công

Sở GDĐT Bình Dương cho biết, năm 2020-2021, trên toàn tỉnh có 127.914 học sinh (HS), trong đó có 88.331 HS trường ngoài công lập. Trước đây, bình quân mỗi năm tăng khoảng 9.000-12.000 trẻ. Tuy nhiên, năm nay theo dự báo, số trẻ sẽ không tăng do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều trẻ được gửi về quê. Hiện tỉnh Bình Dương có 301 trường mầm non ngoài công lập, tăng 2 trường so với năm trước, ngoài ra còn 1.039 nhóm trẻ độc lập. Có 11 doanh nghiệp tổ chức hoạt động giáo dục mầm non phi lợi nhuận phục vụ con CN làm việc tại công ty.

Do tốc độ công nghiệp phát triển nhanh, lao động đổ về Bình Dương sinh sống và làm việc kéo theo đó là số HS là con em lao động cũng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ quá lớn, tỉnh Bình Dương chủ trương thực hiện xã hội hóa giáo dục mầm non. Đến nay, tỉ lệ trẻ ở mầm non ngoài công lập đạt 71,19%. Tỉnh Bình Dương cũng thông báo chỉ đạo các huyện, thị dành quỹ đất sử dụng mục đích công ích khoảng 15-20% trong các khu dân cư để xây dựng trường học, trong đó có giáo dục mầm non. Đồng thời, tỉnh thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hoá trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn từ 2018-2020, tỉnh Bình Dương thực hiện chương trình hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở các KCN. Cụ thể, với nhóm trẻ từ 15-30 trẻ được hỗ trợ 25 triệu đồng/cơ sở, nhóm trẻ từ 30 trẻ trở lên được hỗ trợ 35 triệu đồng/cơ sở. Vừa qua, ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - chỉ đạo, Sở GDĐT cần phối hợp với các địa phương để có dự báo sớm về tình hình và yêu cầu các ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục. Về lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh phải dự báo được diễn biến 5-10 năm sau để có sự tính toán trong việc quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của học tập của xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn