MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tấm ván là phương tiện mưu sinh của nhiều hộ dân ở Mỏ Ó (Trần Đề, Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Lướt ván trên bùn mưu sinh ở bãi bồi ven biển Sóc Trăng

PHƯƠNG ANH LDO | 28/09/2023 18:30

Nhiều ngư dân ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã sử dụng những tấm ván gỗ ghép lại với nhau tạo thành phương tiện mưu sinh trên những bãi bồi ven biển. Dùng ván lướt trên bùn để bắt cá, cua, sò... vừa mang lại thu nhập vừa trở thành nghề đặc trưng ở miền biển này.

Lướt ván mưu sinh

Bãi bồi Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) dài cả chục km là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy hải sản. Khi thủy triều rút, người dân ra bãi bắt cá thòi lòi, bống sao, cá ngát, cua biển, sò huyết, nghêu... mang về bán để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên do phù sa bồi đắp, nhiều sình lầy không thể lội hàng km nên những cư dân nơi đây đã nghĩ ra cách dùng nhiều tấm ván gỗ mỏng ghép lại thành phương tiện di chuyển nhanh và ít tốn sức.

Ông Trần Có - một người dân đã có thâm niên trên 20 năm dùng ván làm phương tiện bắt cá ở ấp Mỏ Ó - cho biết: "Khi trượt, một chân đứng lên chiếc ván, chân còn lại đạp xuống bùn để đẩy chiếc ván lao tới phía trước. Hai tay vịn ở phía tay cầm để điều khiển hướng đi theo ý muốn".

Một ngư dân Mỏ Ó trượt mong trên bãi bồi đi bắt cá. Ảnh: Phương Anh

"Cần khom người khi trượt làm mông nhô cao nên động tác này còn gọi là "trượt mong". Với những người có sức khỏe tốt thì mỗi cú đạp, chiếc mong có thể lao đi xa đến 3m. Vì vậy, khi có chiếc mong này, việc đánh bắt thủy hải sản của bà con đỡ phần vất vả”, ông Có cho biết thêm.

Hiện nay, trượt mong tìm bắt hải sản ven biển đã trở thành công việc hàng ngày của người dân nghèo ở ấp Mỏ Ó. Khi thủy triều rút cạn, bãi bồi lộ dần, từ người già, trai tráng đến phụ nữ, trẻ em dùng mong làm phương tiện di chuyển để bắt nghêu, cá kèo, cá bống. Vào ban đêm, thanh niên, đàn ông trượt mong để soi cua, cá ngát.

Ngư dân Mỏ Ó dùng ván làm phương tiện di chuyển trên bùn lầy để đánh bắt cá tôm. Ảnh: Phương Anh

Bà Trần Thị Út - đã có 20 năm gắn bó với nghề trượt mong - chia sẻ: “Nhà nghèo không đất sản xuất, chỉ mưu sinh bằng nghề trượt mong bắt sò huyết, nghêu giống nên khi thủy triều rút cạn là ra bãi biển. Mỗi ngày bắt được 1-2kg, thu nhập cũng từ 100.000 - 200.000 đồng. Mặc dù thu nhập không cao nhưng thời gian đi biển chỉ tầm 3-4 giờ vì theo con nước”.

Ông Lý Minh, cũng là một hộ trượt mong có tiếng ở Mỏ Ó, cho biết: "Nhờ tích góp được một số vốn, ông mua được 30 cái lú (dụng cụ bắt cá hình phễu, khi đặt hướng miệng theo đường nước chảy, cá sẽ theo nước chui vào). Hàng ngày khi nước rút, ông trượt mong cả chục km để đi dỡ lú bắt cá, thu nhập vài trăm nghìn đồng.

Chiếc mong là phương tiện mưu sinh của nhiều hộ dân nghèo ở Mỏ Ó. Ảnh: Phương Anh

"Bãi bồi này sình lầy đến gần nửa thân người, lội thì sức người chỉ đi được chừng 100m, trong khi cá tôm thì trú ngụ rải rác nhiều nơi. Cũng nhờ có chiếc mong, việc di chuyển trở nên dễ dàng, thuận tiện cho việc đánh bắt thủy sản", ông Minh cho biết thêm.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ở Mỏ Ó, trượt mong chỉ làm được từ 10-12 ngày một tháng vì phụ thuộc vào con nước. Bên cạnh đó, sản lượng thủy hải sản ngày càng giảm nên thu nhập của bà con cũng bấp bênh.

Do chân trực tiếp đạp xuống bùn, những người trượt mong dễ dẫm phải mảnh sành hay vật nhọn. Ảnh: Phương Anh

Ông Tăng Thái Quân, một người trượt mong ở Mỏ Ó, chia sẻ: “Người đi mong quanh năm lấm lem bùn đất từ đầu tới chân. Bởi mong chỉ là công cụ để di chuyển chứ không có khả năng đánh bắt cá. Những loài thủy sản sinh sống ven cửa biển, cửa sông thường có thói quen ẩn mình sâu trong bùn. Nhiều hang cua dài cả mét, để bắt được chúng rất cực.

Vì vậy, khi bắt phải thò tay xuống bùn sâu, có khi nghiêng mình sát sình bùn. Nếu ai không chịu cực khổ được, sẽ rất khó để gắn bó với nghề này”.

Ngoài ra, trượt mong còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chân đạp trực tiếp xuống bùn, dễ dẫm phải cành cây khô, vật nhọn, mảnh sành... Song, vì miếng cơm, manh áo, nhiều hộ phải bám nghề, nương vào chiếc mong và bãi bồi để mưu sinh.

Bà Trần Thị Út chia sẻ: “Dưới lớp sình bùn không thấy được vật gì mà tránh nên việc dẫm đạp vật sắc nhọn, nhất là đạp phải gai cá ngát là chuyện thường. Loài cá này đâm nhức phát sốt. Có lần tôi đạp trúng cá, phải ngâm chân vào nước đá cho bớt đau, ráng chịu đựng một vài ngày rồi lại tiếp tục xuống biển kiếm sống”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn