MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, phụ huynh chỉ nên bắt đầu cho con tập làm quen với tiếng Anh, tạo niềm yêu thích với ngôn ngữ thứ hai. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Luyện thi IELTS từ mẫu giáo, tiểu học: Đừng bắt trẻ “chín ép”

HUYÊN NGUYỄN LDO | 16/10/2021 09:11

Việc luyện thi chứng chỉ IELTS chưa phù hợp với độ tuổi hay chạy theo những thứ hào nhoáng được gắn mác IELTS sẽ mang đến nhiều hậu quả không mong muốn.

Phản tác dụng

Trong bài “Mời chào luyện thi IELTS từ mẫu giáo, tiểu học: Các cú lừa từ sự hào nhoáng” đăng trên số 240, Lao Động đã đề cập tới thực trạng đón đầu cơn sốt cho con học IELTS của các phụ huynh, nhiều trung tâm luyện thi đã đưa ra hàng loạt quảng cáo chào mời luyện thi IELTS, thậm chí từ mẫu giáo. Sự “hào nhoáng” của chứng chỉ IELTS đã khiến không ít gia đình trở thành nạn nhân của kiểu lừa “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Không chỉ dừng ở việc bỏ tiền trả cho một dịch vụ không giống như quảng cáo, chị Nguyễn Thị Thanh Hương - giảng dạy tại hệ thống giáo dục HOCMAI còn lo ngại về áp lực dành cho trẻ nếu bị ép luyện IELTS không phù hợp.

Chị Hương cho hay, hướng trẻ học, luyện IELTS từ mẫu giáo, tiểu học là sự quá vội vàng và không cần thiết bởi ở lứa tuổi nhỏ phụ huynh chỉ cần khuyến khích cho con có sự hứng thú với tiếng Anh, gieo những hạt mầm để các con thích thú với một ngôn ngữ mới. Ở mẫu giáo, các bài học mang tính vui vẻ thông qua video, âm nhạc, hội thoại ngắn…

“Đồng ý là bố mẹ luôn mong muốn con có một tình yêu với tiếng Anh, thông thạo ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ thế nhưng nếu chưa gì đã học theo kiểu ôn thi thì quá sức với các bạn. Thậm chí, việc ép uổng còn phản tác dụng, tạo sự căng thẳng, mệt mỏi cho cả bố mẹ và con cái. Bố mẹ có thể tạo điều kiện, môi trường và phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, toàn diện chứ đừng hướng ngay đến việc phải đạt chứng chỉ này nọ” - chị Hương bày tỏ.

Theo nữ giáo viên, IELTS là một bài kiểm tra về năng lực dùng tiếng Anh nhưng thiên về hướng học thuật, đòi hỏi người học và người thi cần có vốn hiểu biết sâu sắc, khả năng phân tích, tư duy cùng lượng kiến thức liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội để thể hiện trình độ ngoại ngữ của mình. Như vậy vượt xa tầm hiểu biết của trẻ.

Luyện IELTS quá sớm sẽ khiến trẻ bị “ép” tiếp nhận những vấn đề xã hội phức tạp mà ngay chính bản thân các em cũng chưa hề trải nghiệm. Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng tới hứng thú học ngôn ngữ, thậm chí có thể dẫn tới tâm lý sợ học tiếng Anh.

Xác định rõ mục tiêu để có chứng chỉ IELTS

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Nguyễn Thuý Vi, giảng dạy tại Trung tâm IELTS Shine bày tỏ: Trước khi bắt đầu học IELTS, phụ huynh hay học sinh cần xác định mục đích học IELTS để làm gì. Theo chị Vi, IELTS hoàn toàn không cần thiết khi con đang học Tiểu học.

“Xét về phương diện kiến thức, tôi thấy hiện nay nhiều bậc phụ huynh có mong muốn cho con học IELTS ngay từ khi con còn nhỏ, nhưng nếu ta yêu cầu các con phải bàn luận về những vấn đề như cách giáo dục của cha mẹ, trường học, hay như đề IELTS gần đây có yêu cầu bàn luận về một chính phủ toàn cầu… Thử hỏi những vấn đề này với sinh viên đại học còn khó huống chi là học sinh cấp 1 cấp 2. Ngoài ra, lượng từ vựng và kiến thức của những bài đọc hay viết thật sự còn khó với các con nhỏ. Nếu ta ép các con học như vậy có thể sẽ hình thành một áp lực lớn cho các con” - chị Vi phân tích.

Với kinh nghiệm của mình, theo chị Vi, nếu phụ huynh nào có con học THCS và mong muốn cần thi IELTS để phục vụ mục đích đi du học và đáp ứng điều kiện đầu vào của các trường thì hãy cân nhắc cho con học từ lớp 8 hoặc 9.

“Nói như trên không có nghĩa là học sinh cứ lớp 8 là có thể cho đi học IELTS luôn, ta vẫn luôn cần xét tới nhiều yếu tố khác như năng lực ngoại ngữ và kiến thức xã hội của các con. Học ngôn ngữ cần một quá trình dài để ngấm, không thể ép các con học khi chưa đủ thấm dần được. Ngoài ra, nếu không có mục đích nào khác ngoài học và thi để thử sức mình, phụ huynh có thể cho con học các chứng chỉ như PET, KET, FCE, sau đó khi con lên lớp 10 thì bắt đầu cho con học IELTS. Như vậy lịch trình học có thể sẽ bớt áp lực và vẫn đảm bảo được kiến thức cho con” - chị Vi đưa lời khuyên.

Theo chị Thuý Vi, việc học IELTS đúng cách sẽ đem lại rất nhiều giá trị thực tế như có thể phát triển được toàn diện 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Đó là lý do tại sao tất cả các quốc gia nói tiếng Anh sử dụng chứng chỉ này để đánh giá du học sinh đến từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh, trong đó có cả Việt Nam.

Bên cạnh đó, IELTS có thể giúp người học tăng phản xạ giao tiếp thông qua quá trình ôn luyện chuyên sâu. Ngoài ra, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi IELTS, các em cần trau dồi cho mình không chỉ ngôn ngữ, kỹ năng mà còn cả kiến thức xã hội về nhiều mảng như môi trường, du lịch, giáo dục, các vấn đề xã hội khác… Từ đó các em sẽ có thể trau dồi cho bản thân vốn kiến thức rộng ở nhiều chủ đề hơn trong cuộc sống.

Có IELTS là một lợi thế nhưng không phải bắt buộc, phụ huynh cần tỉnh táo xác định về khả năng, sự hứng thú của con, năng lực tài chính, hiểu rõ bản chất có chứng chỉ IELTS để làm gì; các con học mầm non, tiểu học, THCS học xong lấy IELTS liệu có cần thiết. Nếu chỉ học mẹo, học thủ thuật, luyện nhiều đề để quen với dạng đề, dạng câu hỏi, thậm chí học thuộc vẹt các câu trả lời mẫu, thì dù có thi IELTS điểm cao, tiếng Anh của con vẫn kém. Học theo cách này không chỉ tốn tiền (học phí, học thêm + lệ phí thi), tốn thời gian mà còn khiến trẻ thêm áp lực, kết quả không như mong đợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn