MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lắp đặt đồng hồ để làm cơ sở tính tiền nước sạch tại TPHCM. Ảnh: Huyền Trân

Lý do người dân TPHCM trả tiền nước cao hơn nếu tính định mức theo đồng hồ

Huyền Trân LDO | 17/11/2023 05:59

TPHCM - Như Lao Động đã thông tin, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) vừa báo cáo UBND TPHCM về việc nếu thay đổi phương thức tính định mức nước sinh hoạt từ nhân khẩu như hiện nay sang cách tính theo đồng hồ (m3/đồng hồ/tháng) thì người dân sẽ phải trả tiền nước nhiều hơn, và ảnh hưởng nhiều nhất là người lao động có thu nhập thấp. Vậy cách tính định mức hiện nay và cách tính mới sẽ khác nhau như thế nào và vì sao tiền nước sẽ tăng?

Khác với đa số các sản phẩm hàng hóa khác, giá nước sinh hoạt hiện nay được tính lũy tiến, tăng dần theo lượng nước tiêu thụ. Lượng nước sử dụng trong định mức thường có giá thấp hơn giá thành và phần lượng nước sử dụng vượt định mức sẽ áp giá cao hơn để bù chéo, nhằm điều tiết tiêu dùng, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch và khuyến khích tiết kiệm nước.

Tại TPHCM, định mức nước sinh hoạt tính theo nhân khẩu (4m3/người/tháng) đã được thành phố áp dụng từ năm 1996 đến nay. Điều này đồng nghĩa với những hộ có đông người thì định mức sẽ tăng lên tương ứng với số người trong cùng một hộ.

Ví dụ: một hộ gia đình có 4 nhân khẩu thì định mức nước sinh hoạt là 16m3/tháng/hộ; còn hộ gia đình có 10 nhân khẩu thì định mức tăng lên 40m3/tháng/hộ. Nếu người dân sử dụng nước trong định mức này thì được áp dụng mức giá thấp, còn sử dụng vượt định mức thì phần vượt sẽ tính theo mức giá cao hơn.

Trong khi đó, theo Thông tư 44/2021/TT-BTC về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, do của Bộ Tài chính ban hành ngày 18.6.2021, thay thế các quy định cũ lại quy định cách tính định mức nước sinh hoạt theo đồng hồ (m3/đồng hồ/tháng); bỏ quy định tính định mức nước sinh hoạt theo nhân khẩu trước đây.

Theo Sawaco, với phương thức tính định mức theo đồng hồ (m3/đồng hồ/tháng) sẽ bất lợi với các gia đình đông người vì sử dụng nước nhiều hơn nhưng định mức bằng với hộ gia đình ít người, từ đó dẫn đến mức chi trả tiền nước cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, những gia đình đông người đa phần có mức thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua nhà ở riêng, nên phải sống chung nhiều thế hệ. Trong khi đó, định mức nước tính theo nhân khẩu công bằng hơn, bởi định mức được cấp riêng cho từng cá nhân. Do đó, hộ gia đình dù đông người hay ít người thì mức chi trả tiền nước của mỗi cá nhân là như nhau.

Cụ thể với cách tính theo quy định tại Thông tư 44 của Bộ Tài chính thì định mức nước sinh hoạt được quy định 10m3/đồng hồ/tháng. Nếu vượt định mức này sẽ áp dụng giá cao hơn.

Điều này tương ứng với hộ gia đình có 4 người sử dụng định mức như lâu nay ở TPHCM (tức 16m3/tháng/hộ) khi áp dụng cách tính định mức 10m3/đồng hồ/tháng thì phần vượt định mức 6m3/tháng/hộ sẽ bị áp dụng mức giá cao hơn giá trong định mức. Tương tự, với hộ gia đình có 10 người như cách tính định mức lâu nay (tương ứng 40m3/tháng/hộ), khi áp dụng cách tính định mức 10m3/đồng hồ/tháng thì phần vượt định mức là 30m3/tháng/hộ sẽ bị tính giá cao hơn.

Theo Sawaco, nếu so sánh mức chi tiêu tiền nước bình quân của một hộ gia đình khi giá bán bình quân tăng 7,7%, với phương thức tính định mức theo nhân khẩu thì mức chi trả tiền nước năm 2023 của một hộ gia đình (có 4 nhân khẩu) là 170.800 đồng/tháng. Còn với phương thức tính định mức theo đồng hồ, mức chi trả tiền nước năm 2023 của một hộ gia đình (có 4 nhân khẩu) là 211.000 đồng/tháng.

Chính vì vậy, trong phương án xây dựng giá nước sạch trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 – 2027, Sawaco kiến nghị UBND TPHCM cho phép tiếp tục áp dụng định mức nước sinh hoạt theo nhân khẩu như các lộ trình trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn