MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Lý do những người đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn chưa thể tự do đi lại

Thùy Linh LDO | 05/09/2021 18:23

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên tính tới biện pháp "nới lỏng" các biện pháp phòng chống dịch cho những đối tượng đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, tiến tới những phương án đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội. 

Cần "giữ" cho những người chưa được tiêm vaccine

Theo các chuyên gia, chúng ta có thể đạt được miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng. Nhưng hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng tại Việt Nam, đặc biệt những người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine còn khá thấp. Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam mới có hơn 21 triệu người tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 và hơn 3 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. 

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội, cách ly y tế các khu vực, những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 liệu có thể có một "cơ chế riêng" để nới lỏng các hoạt động xã hội hay không?

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: Sau khi tiêm đủ liều vaccine (2 mũi đối với loại cần tiêm 2 liều) vẫn cần tuân thủ chủ trương chung về cách ly, giãn cách hay phong tỏa, thực hiện 5K khi có quy định và Bộ Y tế hiện chưa có quy định riêng với người đã tiêm đủ liều vaccine.

Với người tiêm đủ liều vaccine thì cơ bản là bảo vệ cho cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong. Nhưng người đó vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.

Trong khi đó, hiện chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng (khi tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng, ở mức 70% dân số được tiêm đủ liều 2 mũi vaccine trên phạm vi cả nước). Vì vậy, người chưa được tiêm vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ người đã tiêm đủ vaccine khi tiếp xúc, nếu như khi người đã tiêm bị nhiễm SARS-CoV-2.

Đồng thời người được tiêm vaccine mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch.

Ví dụ như, người tiêm vaccine nếu đi đến nới có nguy cơ cao, hoặc tiếp xúc người bệnh, có thể họ cũng bị nhiễm virus và chỉ bị bệnh nhẹ, thoáng qua, hoặc cũng không triệu chứng. Khi về nhà hoặc đến nơi khác họ có thể lây cho người thân hoặc người xung quanh. Và trong số người bị lây bệnh từ họ mà chưa được tiêm vaccine lại có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Tiêm đủ 2 mũi vẫn cần tuân thủ quy định chung

Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo rằng để kiểm soát dịch COVID-19 lây lan, những người đã tiêm đủ liều (2 mũi) vaccine COVID-19 vẫn cần tuân thủ các quy định chung về giãn cách, phong tỏa, thực hiện 5K để kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

Đồng thời, các địa phương khi triển khai tiêm vaccine COVID-19, cần ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, vì đó những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc COVID-19.

Tại Hà Nội, vừa qua chưa triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi do nguồn vaccine hạn chế và mới ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, khu vực lao động sản xuất… Tuy vậy tới đây, Hà Nội sẽ ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho người mắc bệnh nền, người cao tuổi (từ 65 tuổi).

Cũng theo văn bản về việc triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn thành phố đợt 12 vừa được Sở Y tế Hà Nội ban hành, trong đợt này, Hà Nội cũng chú trọng vào việc tiêm trả mũi 2 vaccine COVID-19 cho các đối tượng đã tiêm chủng mũi 1.

Cụ thể, đối với 800.700 liều vaccine AstraZeneca tiếp tục phân bổ để tiêm cho các đối tượng còn lại tại đợt 11 thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng:

1. Các đối tượng đến thời gian cần phải tiêm trả mũi 2.

2. Người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu: công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm tại các chuỗi cung ứng.

3. Người nằm trong nhóm nguy cơ, người sinh sống tại các khu vực có dịch (vùng đỏ), vùng nguy cơ cao trong khu vực vùng đỏ sau khi xét nghiệm âm tính.

4. Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn thành phố.

5. Người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng chống dịch của thành phố. Các đối tượng theo thứ tự ưu tiên đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện theo phương án 170/PA-UBND của thành phố và thực hiện tiêm cho các đối tượng khác khi có chỉ đạo của UBND thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn