MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh. T.Vương

Lý giải vì sao Thổ Nhĩ Kỳ hay gặp động đất lớn khiến thương vong nặng nề

Vương Trần (thực hiện) LDO | 07/02/2023 18:11

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay: Cơn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ có độ lớn 7,8 độ richter là cơn động đất lớn, có sức tàn phá nghiêm trọng ở khu vực đông dân cư.

PV: Thưa ông, cơn động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Sirya vừa xảy ra khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Qua nghiên cứu, ông có nhìn nhận như thế nào về trận động đất này?

TS Nguyễn Xuân Anh: Vừa qua, tại 2 quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã xảy ra những trận động đất lớn. Rung chấn do trận động đất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã gây ra hậu quả trên diện rộng. Ước tính sơ bộ trận động đất này đã khiến cho 5.600 toà nhà sụp đổ và ít nhất 4.800 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương.

Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ có độ lớn M=7,8 được phân loại động đất lớn, với nhiều dư chấn tiếp theo có sức tàn phá nghiêm trọng với nhiều nhà bị sụp đổ một phần, hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng.

Trận động đất này rơi vào khu vực đông dân cư, có thể nhiều nhà cửa, công trình được xây dựng kháng chấn kém chưa đạt tiêu chuẩn, thời gian xảy ra động đất vào buổi sáng sớm (lúc 4 giờ sang giờ địa phương) khi người dân chủ yếu ngủ trong nhà, nên dẫn tới thiệt hại rất lớn. Và theo dự báo, con số thiệt hại về người và tài sản sau trận động đất trên vẫn chưa dừng lại. Đây là một trong những cơn động đất mạnh trong thời gian gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6.2 khiến hàng loạt nhà cửa đổ sập. Ảnh: AFP

Vì sao khu vực Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua lại phải hứng chịu trận động đất khủng khiếp như vậy, thưa ông?

Thổ Nhĩ Kỳ dễ xảy ra động đất vì nó nằm ở giao điểm của ba mảng kiến tạo vỏ Trái đất: mảng Anatolia, mảng Ả Rập và châu Phi.

Trong đó, mảng Ả Rập đang di chuyển về phía bắc, hướng vào châu Âu, khiến mảng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng này) bị đẩy ra phía tây. Các quốc gia nằm trong vùng ranh giới các mảng kiến tạo quy mô  châu lục có những đứt gãy phát sinh động đất rất mạnh.

Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia nằm trên “vành đai lửa” – ranh giới các mảng kiến tạo lớn như Nhật Bản,  Philipines, Indonesia… cũng có nhiều nguy cơ xảy ra động đất lớn và hủy diệt.

Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ từng xảy ra nhiều trận động đất rất mạnh do nằm trong ranh giới các mảng kiến tạo có khả năng sinh ra các trận động đất lớn. Cụ thể như vào năm 1999, một trận động đất đã khiến 17.000 người thiệt mạng. Vào tháng 12.1939 ở đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã có trận động đất mạnh 7,8 độ richter diễn ra gần thành phố Erzincan, phá hủy 116.720 tòa nhà và khiến 32.968 người thiệt mạng.

Nguy cơ động đất và sóng thần đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ở Việt Nam, động đất hoạt động mạnh nhất ở vùng Tây Bắc, ở khu vực này đã có trận động đất lớn 6.7 năm 1935 ở Điện Biên và Tuần Giáo năm 1983 gây thiệt hại nhỏ, vì thời gian đó dân cư còn thưa thớt.

Tuy nhiên, nếu xảy ra ở thời điểm hiện tại các trận động đất tương tự thì có thể gây thiệt hại lớn hơn nhiều. Vì vậy cần rà soát, kiểm tra công tác xây dựng, thiết kế kháng chấn ở các địa phương nói chung, đặc biệt khu vực Tây Bắc Việt Nam.

Thời gian gần đây, ở Việt Nam có những hoạt động xảy ra động đất kích thích do hiện tượng tích nước ở các hồ chứa ở Quảng Nam, KonTum. Các quan trắc cho thấy, những trận động đất ở các khu vực này có  độ lớn dưới M<5. Các nghiên cứu cần được triển khai để đánh giá độ nguy hiểm động đất trên phạm vi cả nước.

Những động đất ở vùng lân cận cũng gây ra rung lắc ở vùng đất Việt Nam gần đây, ví dụ động đất có độ lớn M=6,8 xảy ra năm 2011 tại khu vực biên giới Myanmar - Lào - Thái Lan, gây rung động cảm nhận được ở các tỉnh miền bắc Việt Nam. Cần có lắp đặt các thiết bị đo ở các nhà cao tầng để đánh giá mức độ rung lắc.

Liệu có thể dự báo động đất và sóng thần ở nước ta để phòng tránh?

Về cơ bản, người ta có thể đánh giá được hoạt động động đất của từng khu vực là mức độ nào, yếu hay mạnh, tần suất xảy ra. Tuy nhiên, việc dự báo thời gian chính xác thời điểm xảy ra động đất là rất khó.

Tức là, các cơ quan nghiên cứu và dự báo chỉ mới xác định được vùng xảy ra động đất và độ lớn của chúng, còn thời gian chính xác thì chưa thể xác định trước được.

Còn với sóng thần thì tùy thuộc vào thời gian lan truyền sóng từ vị trí xảy ra động đất tới vùng bị ảnh hưởng có thể thực hiện công tác cảnh báo.

Ví dụ, động đất hủy diệt ở Philipines  có thể gây ra sóng thần ở Việt Nam sẽ có thời gian lan truyền khoảng hai tiếng đến bờ biển Việt Nam và vì vậy chúng ta có khoảng thời gian này để có phương án ứng phó phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Theo phân loại của các trận động đất, những trận động đất có độ lớn M=4- 5 là những trận động đất nhẹ. Những trận động đất từ M=5-6 là những trận động đất trung bình. Những trận động đất từ M=6-7 độ là những trận động đất mạnh, những trận động đất từ M=7-8 là những trận động đất lớn, những trận động đất từ M=8-9 là những trận động đất hủy diệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn