MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lý giải việc nghìn người Huế chờ đợi từ 3 giờ sáng tìm vé tiêm vắc-xin

Thảo Anh LDO | 10/05/2019 07:10
Đại diện Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho rằng có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ em phản ứng trong ngưỡng với vắc-xin Combe Five, tại một số tỉnh miền Trung đã xuất hiện các thông tin chưa đầy đủ, phiến diện về vắc-xin miễn phí. Đồng thời, công tác truyền thông về tiêm chủng tại địa phương chưa sâu sát tới người dân.

Sáng 8.5, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra trước Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên  Huế do người đến đăng ký tiêm vắc-xin quá đông. Theo ghi nhận lúc 7h, một đoàn người rồng rắn xếp hàng dài khoảng 500m.

Nhiều người dân bức xúc vì xếp hàng từ 3h sáng nhưng vẫn không kiếm được "vé" tiêm vắc-xin dịch vụ. Trước đó, tình trạng khan hiếm, cung không đủ cầu này đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung như Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...

Nhiều phụ huynh ở Huế cho biết, đã phải chờ từ lúc 3h sáng, để được vào đăng ký phiếu tiêm cho con. Ảnh: Phúc Đạt.

Nhu cầu tăng đột biến do đâu?

Về nguồn cơn của việc nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ tăng đột biến, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho rằng:

Gần đây, sau một tỷ lệ rất nhỏ trẻ em phản ứng trong ngưỡng với vắc-xin Combe Five, tại một số tỉnh miền Trung đã xuất hiện các thông tin chưa đầy đủ, phiến diện về việc chuyển đổi vắc xin 5 trong 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vắc-xin miễn phí, dẫn đến việc người dân ồ ạt sử dụng vắc xin tương tự trong tiêm chủng dịch vụ.

Từ đó, nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ của nhân dân tăng đột biến so với dự trù của cơ sở tiêm chủng dẫn đến cung không đủ cầu.

"Điều này có thể do công tác truyền thông về tiêm chủng tại địa phương chưa sâu sát tới người dân" - Ông Đỗ Văn Đông phân tích.

Nhiều người dân bức xúc vì chờ đợi rất lâu vẫn không kiếm được vé tiêm vắc-xin. Ảnh: Phúc Đạt.

Cụ thể, vắc xin 5 trong 1 mới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng được cung cấp bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI).

Khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá, ông Đỗ Văn Đông nhận định, các vắc-xin được sử dụng hàng trăm triệu liều một năm tại hàng chục quốc gia trên Thế giới. Vắc-xin 5 trong 1 trong Chương trình TCMR được nhà nước chi trả cho người dân để đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đều được bảo vệ khỏi dịch bệnh chứ không phải là Việt Nam được nhận vắc xin miễn phí từ các tổ chức tài trợ.

Vắc xin lưu hành tại Việt Nam, dù sử dụng trong Chương trình TCMR hay tiêm chủng dịch vụ thì các yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả là như nhau, đều được kiểm định 100% các lô trước khi sử dụng.

Cung ứng vắc-xin gặp khó do cơ chế thị trường

Cục Quản lý Dược cũng cho biết lý do việc cung ứng vắc-xin dịch vụ gặp khó do cơ chế thị trường. Đây là điều khác biệt giữa vắc xin tiêm chủng dịch vụ và vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Theo ông Đỗ Văn Đông, vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng. Còn vắc-xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường.

Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu. Vấn đề khó khăn ở chỗ, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài.

Và dĩ nhiên, lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ trễ thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc-xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 03 đến 6 tháng. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc xin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn