MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại tá Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lai Châu - dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới tại xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Đức Duẩn

Ma Li Pho vươn lên từ đống đổ nát sau chiến tranh biên giới

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 16/02/2022 11:36

Đến Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) hôm nay có thể thấy một sự đổi thay, bứt phá - một điểm sáng ở vùng cao, biên giới. Cách đây hơn 40 năm, cũng chính mảnh đất này đã từng là một đống đổ nát, hoang tàn sau cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.

Nơi chiến tranh đi qua

Hơn 40 năm trước, vào sáng 17.2.1979, khi đồng bào các dân tộc đang chìm trong giấc ngủ thì quân xâm lược từ bên kia biên giới đã đồng loạt nã pháo vào các bản làng dọc biên giới nước ta. Tại Lai Châu, quân địch tấn công chiếm đánh dọc biên giới dài gần 60km từ bản San Cha, xã Sì Lở Lầu và bản Huổi Luông của huyện Sìn Hồ.


Lịch sử Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã ghi lại: “Tại khu vực Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng sau những đợt địch tập trung dùng hỏa lực pháo kích dồn dập vào đồn và các trận địa của ta, địch tập trung lực lượng trên 3 trung đoàn có xe tăng yểm trợ tấn công ồ ạt vào 3 mũi; chính diện đồn, bên trái đồn và mũi vu hồi thọc sâu từ Ma Li Pho và cây số 7”…

Đại tá Triệu Quốc Nguậy - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lai Châu - dâng hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại xã Ma Li Pho.

Khi chúng vừa vượt qua biên giới vào đất của ta đã bị lực lượng Biên phòng thuộc Đồn 33 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng) đánh trả quyết liệt đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, lập chiến công vang dội. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền khi đó đã chiến đấu dũng cảm là người bám trụ cuối cùng trên chiến hào để đồng đội được rút lui an toàn…

Ghi nhận những thành tích đó ngày 19.12.1979, tập thể Đồn 33 Lai Châu và liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng giới thiệu với thầy cô giáo và học sinh trường mầm non Ma Li Pho về đường biên cột mốc theo nội dung phối hợp “Gắn biên giới với học đường và tiết học vùng biên“. Ảnh tư liệu

Đồng lòng xây dựng quê hương nơi biên giới

Để khắc ghi những chiến công hiển hách, sự hy sinh quên mình của các thế hệ cha anh đi trước, năm 1996 cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng 1 nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Từ năm tháng 12.2019 đến tháng 4.2021, nhà bia được nâng cấp, mở rộng và khánh thành giai đoạn 1 với tổng kinh phí xây dựng trên 2,4 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp.

Trong chuyến trở lại Ma Li Pho lần này, chúng tôi được ông Tẩn Chỉn Hùng - Chủ tịch UBND xã - cho biết, hiện Ma Li Pho có 9 bản, 642 hộ dân và gần 2.800 nhân khẩu. Bên cạnh việc lao động sản xuất thì nhân dân Ma Ly Pho luôn đồng lòng sát cánh cùng lực lượng Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Do có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước nên những năm gần đây, bộ mặt nông thôn mới ở Ma Li Pho đã có nhiều khởi sắc và bứt phá, đời sống người dân ngày càng được nâng cao

Trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

“Bên cạnh việc duy trì diện tích cây nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, áp dụng khoa học kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất, việc trồng chuối xuất khẩu vẫn là cây trồng chủ lực với diện tích trên 600ha. Hiện trên địa bàn xã có khoảng hơn chục tiểu thương chuyên thu mua chuối xuất khẩu, mỗi cơ sở thu mua cũng kéo theo giải quyết việc làm cho từ 10-20 lao động. Với thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng mỗi tháng, nhiều gia đình đã có mức kinh tế khá” - ông Hùng nói.

Được biết, tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có khoảng hơn 150 hộ dân tham gia kinh doanh, buôn bán, dịch vụ. Từ việc biết phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đến nay, Ma Li Pho đã trở thành một điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lai Châu. Tính đến hết năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều trên toàn xã chỉ còn hơn 30%, nếu tính theo tiêu chí cũ thì tỉ lệ hộ nghèo chỉ khoảng hơn 8%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn