MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trương Thị Xưng nhặt rau chuẩn bị bữa cơm tối. Ảnh: YMS.

Mạ nuôi của những người lính "truy" hàng lậu

YÊN MÃ SƠN - LAM CHI LDO | 13/05/2020 11:04
Những năm đó, biên giới Lao Bảo được xem là điểm nóng của hàng lậu. Nước sông Sê Pôn chảy xuôi còn hàng lậu thì chảy ngược. Và địa bàn khóm Duy Tân trở thành tâm điểm vì có nhiều bến đò để thẩm lậu hàng hóa. Vì bà Xưng đùm bọc bộ đội biên phòng, nên đối tượng buôn lậu thù hằn...

Mạ nghèo nuôi quân

Ngôi nhà bà Trần Thị Xưng (SN 1953, trú tại khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hoá, Quảng Trị) ở cạnh sông Sê Pôn, ngó qua bên kia là biên giới Lào. Ngôi nhà ba gian đã trải qua bao mưa nắng, bão lụt. Trên bức tường xỉn màu, nếu nhìn kỹ sẽ thấy những vết hằn do bùn để lại sau những trận lụt.

Bà Xưng được Chủ tịch Nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Ảnh: YMS.

Ít ai biết rằng, ngôi nhà này là che chở cho nhiều thế hệ bộ đội biên phòng Quảng Trị khi cắm chốt biên giới. Trong cuộc trò chuyện, bà Xưng nhớ lại những ngày tháng hơn 25 năm trước, khi khu vực biên giới đang còn phức tạp; bộ đội biên phòng  ở Đồn cửa khẩu Lao Bảo đời sống còn khó khăn. “Tôi nuôi bộ đội cắm chốt từ năm 1994, đến năm 2002 thì vơi dần. Từ căn nhà này, nhiều chiến sỹ đã gắn bó nhiều năm trước khi thuyên chuyển đi nơi khác”.

Ngày trước, trong nhà bà Xưng lúc nào cũng có 4-5 chiến sỹ biên phòng. Có đợt cao điểm tăng cường phòng chống buôn lậu qua biên giới sông Sê Pôn thì 7-8 người.

Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng Quảng Trị trao quà cho gia đình bà Xưng. Ảnh: YMS.

Thiếu tá Nguyễn Đức Chiến, Trạm Kiểm soát Cửa khẩu phụ Thanh (Đồn BP Thanh, Hướng Hoá) cho biết: “Tôi ở nhà mạ (mẹ) Xưng từ năm 1997 đến năm 2002. Nhờ mạ bao bọc, chăm sóc mà anh em chúng tôi đỡ vất vả, tập trung vào nhiệm vụ tuần tra biên giới, phòng chống buôn lậu. Mạ Xưng sống vô tư, không tính chuyện hơn thiệt, giàu tình thương. Đi làm về mạ lo cơm, lúc ngủ có lo dém mùng”.

Những năm đó, biên giới Lao Bảo được xem là điểm nóng của hàng lậu. Nước sông Sê Pôn chảy xuôi còn hàng lậu thì chảy ngược. Và địa bàn khóm Duy Tân trở thành tâm điểm vì có nhiều bến đò để thẩm lậu hàng hoá.  Chính vì thế, nhà bà Xưng đùm bọc bộ đội biên phòng khiến cho bọn buôn lậu thù hằn. Chúng nhiều lần dọa đốt nhà bà.

Đền ơn mạ!

Trong căn nhà có nhiều đường nứt do xuống cấp ấy có 2 người già và đôi vợ chồng trẻ. Ông Ưu, bà Xưng giờ đã già. Thu nhập chỉ dựa vào mảnh vườn nhỏ, vài con bò. Người con duy nhất của ông bà đã lấy vợ, nhưng do dịch COVID- 19 nên con dâu ông bà cũng thất nghiệp. Con trai thì làm nghề lao động tự do, thu nhập không ổn định.

Tuổi đã cao, sức đã yếu lại bệnh tật trong người nên ước muốn xây dựng căn nhà mới vẫn còn dang dở. Anh Trương Văn Tú, con trai bà Xưng dẫn chúng tôi lui vườn và kể về những trận lụt biên giới. “Những năm trở lại đây còn ít, chứ trước đây năm nào cũng lụt. Nhỏ thì ngang cửa sổ, to thì lút chóp nhà. Cứ đến mùa lụt, trời mưa to, dài ngày là lo chuẩn bị đồ đạc để chạy lụt”, anh Tú tâm sự.

Từ 1972- 1975, bà Xưng là du kích của xã Triệu Phước (Triệu Phong). Hiện bà bị bệnh khối u cuống mạch, bà cho biết cũng là di chứng của chất độc màu da cam.

Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng Quảng Trị hứa sẽ chia sẻ khó khăn với gia đình bà Xưng. Ảnh: YMS.

Trước những khó khăn của gia đình bà Xưng, Thượng tá Trần Tuấn Anh- Phó Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng Quảng Trị cho biết sẽ kêu gọi anh em chiến sỹ biên phòng, các nguồn lực của xã hội, nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh để xưng dựng một căn nhà mới. “Năm xưa mạ Xưng không tính hơn thiệt, chăm sóc bộ đội như chăm con. Giai đoạn cực khổ, nghèo khó mà tấm lòng mạ vẫn rộng mở. Giờ đây mạ khó khăn, các con không thể ngó lơ. Phải vận động để xây mới căn nhà cho mạ. Làm được điều đó mới đền được ơn mạ”, Thượng tá Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn