MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữa hàng triệu kết quả mà Google trả về khi tìm kiếm từ khóa "khóa học chữa lành", rất khó để có thể tìm được một khóa học mà huấn luyện viên có bằng cấp, được đào tạo bài bản. Ảnh: Anh Vũ

Ma trận quảng cáo khóa học "chữa lành"

Anh Vũ LDO | 25/04/2024 12:00

Khi giới trẻ đổ xô theo xu hướng chữa lành, dịch vụ này đã trở thành một thị trường béo bở, thu hút nhiều người dù không được đào tạo về y tế, tâm thần học nhưng cũng muốn một phần của "miếng bánh thơm ngon".

Hàng triệu kết quả về khóa học chữa lành

Mệt mỏi, căng thẳng với những áp lực trong công việc và cuộc sống, anh Tú, 29 tuổi sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội nghe theo lời khuyên của bạn bè và tìm kiếm một khóa học chữa lành để cân bằng lại cuộc sống.

Tuy nhiên, khi tìm kiếm Google, anh cảm thấy căng thẳng hơn khi rơi vào "ma trận" những quảng cáo lớp học, khóa học chữa lành với cả triệu kết quả tìm kiếm

"Có rất nhiều khóa học chữa lành xuất hiện với quảng cáo mời gọi. Thế nhưng, khi tôi bấm vào tìm hiểu thông tin khóa học, hầu hết đều rất mù mờ", anh Tú cho biết.

Số lượng khóa học, dịch vụ chữa lành được quảng cáo nhiều, nhưng khi kiểm tra thông tin, phần lớn những "huấn luyện viên" chữa lành chỉ chú tâm vào quảng cáo các biện pháp, câu chuyện chữa lành chứ không đưa ra được bằng cấp hay chứng chỉ y tế nào cả.

Thậm chí, có trung tâm giới thiệu về "huấn luyện viên" chữa lành bằng việc cung cấp thông tin họ "đã từng trải qua những khủng hoảng trong cuộc sống và các mối quan hệ gia đình", sau đó "bỗng thức tỉnh để nhận ra mình cần mạnh mẽ đứng lên vượt qua biến cố, làm chủ bản thân và cuộc đời của chính mình".

"Các khóa học chữa lành không hề rẻ, có khi lên tới vài triệu đồng/khóa. Thế nhưng, khi tôi kiểm tra thông tin của các huấn luyện viên chữa lành, rất khó có thể xác định liệu họ có được đào tạo bài bản hay tự nhận là chuyên gia. Chữa lành là hành động gây ảnh hưởng tới tâm lý con người, nếu không được đào tạo bài bản, nó có thể gây phản ứng ngược cho học viên", anh Tú nói thêm.

Cẩn thận để không tiền mất tật mang

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, trào lưu chữa lành đã bắt đầu được biết tới nhiều hơn từ sau đại dịch COVID-19. Khi trở lại với cuộc sống bình thường sau đại dịch, nền kinh tế bị tổn thương cũng khiến công việc của nhiều người ảnh hưởng, dẫn tới tinh thần họ cũng bị tổn thương do cường độ áp lực cao.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trên mạng Internet hiện nay có thực trạng nhiều người sau khi bị tổn thương tâm lý, khi học thêm một vài khóa học, họ phát hiện ra, "chữa lành" là một môi trường kinh doanh được. Do đó, họ bắt đầu quảng bá mạnh mẽ các khóa học, gây dựng cộng đồng chữa lành nhằm phát triển kế hoạch kinh doanh dựa vào từ khóa đang "hot" này nhưng không có bằng cấp cũng như được đào tạo chính quy.

Nhìn ra thế giới, tại nhiều nước, để có thể vận hành dịch vụ chữa lành, huấn luyện viên phải được đào tạo bài bản và khóa học cũng phải được kiểm duyệt một cách gắt gao.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân Việt Nam về sức khỏe tâm thần còn thấp. Nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không muốn gặp bác sĩ và tìm kiếm giải pháp ở nơi khác.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, từ năm 2023, Việt Nam đã có chức danh Nhà tâm lý và Quốc hội khóa XIV đã thông qua luật khám chữa bệnh, trong đó vị trí nghề nghiệp Tâm lý lâm sàng cần phải nắm vững hàng trăm kỹ thuật khác nhau và có chứng chỉ của Bộ Y tế.

Do đó, khi tìm kiếm các dịch vụ chữa lành, cần phải lựa chọn một cách cẩn thận, nên tới các bệnh viện uy tín để không mắc phải "bẫy" của những người không có đủ chuyên môn mà chỉ dựa vào từ khóa "chữa lành" để kiếm tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn