MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hòa Bình - mái nhà chung che chở những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: Khánh Linh

Mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh ở Hoà Bình

Khánh Linh LDO | 14/11/2022 09:27

Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hòa Bình đã và đang trở thành mái nhà chung che chở những mảnh đời bất hạnh.

Ngôi nhà thứ hai

Trong tiết trời se lạnh đầu đông của phố núi Tây Bắc, PV có dịp được đến thăm Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Hoà Bình (tổ 3, phường Kỳ Sơn, TP.Hoà Bình) - nơi đang cưu mang hơn 200 mảnh đời không may mắn từ khắp các nơi trên địa bàn tỉnh. 

Trong khuôn viên hơn 1,6ha với 7 phân khu bao gồm khu hành chính, khu nuôi dưỡng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, nhà ăn, hội trường đa năng, khu vui chơi ngoài trời. Tại đây, những mảnh đời nương tựa vào nhau, yêu thương đùm bọc nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

Cũng tại nơi đây, họ không gọi nhau bằng những câu từ xã giao, mà gọi nhau bằng bố, mẹ, con, ông bà.

  Những suất cơm tại đây được chuẩn bị chu đáo.

6h sáng, trong các căn phòng rộng trên 30m2 của khu trẻ em được trang bị đầy đủ giường, tủ, đệm, điều hoà vang lên tiếng gọi nhau của các bạn nhỏ. Sau khi thức dậy, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp rồi ăn sáng, từng chiếc xe đạp bắt đầu di chuyển. Đứa lớn đèo đứa bé dưới sự giám sát của nhân viên trung tâm đưa các con đến học tại trường TH&THCS Dân Hạ (phường Kỳ Sơn).

Cùng thời điểm đó, không khí dưới khu nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần cũng không kém phần rộn ràng. Tiếng nhắc nhở nhau uống thuốc, tiếng cán bộ điều dưỡng hỏi thăm sức khoẻ các đối tượng, tiếng rủ nhau đi lao động, dọn dẹp khuôn viên râm ran cả một góc trung tâm. 

Cách đó không xa, những cụ già cũng đang cùng nhau tập trung vào chiếc tivi xem chương trình buổi sáng. Một số đối tượng nặng không còn khả năng vận động cũng được những nhân viên ở đây tận tình chăm sóc. 

  37 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với nhiều lứa tuổi khác nhau được trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc.

Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Thu Hiền - điều dưỡng viên phụ trách các đối tượng khuyết tật nặng chia sẻ: "Mỗi người đến đây đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có một đặc điểm chung là không còn nơi để nương tựa. Chính vì thế, chúng tôi coi họ như những người thân của mình để tận tình, chăm sóc"..

"Công việc của tôi bắt đầu từ hơn 6h sáng, lần lượt giúp các cụ và các em khuyết tật nặng ăn uống, dọn dẹp vệ sinh, giặt giũ. Cũng có nhiều khi do bệnh tật, hoàn cảnh mà các cụ khó chịu, nặng lời nhưng mình không trách mà ngược lại còn thấy thương hơn" - chị Hiền cho hay.

Nơi gieo mầm ước mơ

Đến nay đã gần tròn 4 năm 3 chị em cô bé Khà Y Gào (SN 2011) được trung tâm nhận nuôi dưỡng và chăm sóc. 

Gào tâm sự: "Em được các bố mẹ ở trung tâm đón về đầu năm 2019. Xuống cùng em còn có 2 em Khà A Sang (SN 2014) và Khà Y Chơ (2016). Ban đầu mới xuống em nhớ nhà lắm, đêm nào cũng khóc nhưng dần được các bố mẹ động viên, ở đây lại được ăn ngon, được đi học. Những ngày lễ, tết lại được các bố mẹ tổ chức liên hoan, vui chơi".

  Khuôn viên trung tâm rộng rãi, thoáng mát, được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất.

Qua trò chuyện được biết, Gào sinh ra và lớn lên ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu - nơi đã từng là "chảo lửa" ma tuý với nhiều vụ án lớn gây chấn động đại ngàn Tây Bắc. Cũng vì ma tuý, bố em đã phải chấp hành án phạt tù, còn mẹ em bỏ khỏi địa phương, để lại 4 người con bơ vơ không nơi nương tựa. 

"Buổi sáng, các bố mẹ sẽ đưa chúng em đến trường, trưa lại đón về "nhà" ăn cơm. Buổi chiều hôm nào không phải đi học thì sẽ được các bố mẹ dạy các kỹ năng sống. Đến tối lại quây quần cùng nhau vui chơi rồi đến giờ đi ngủ" - Gào nói

  Những mảnh đời nương tựa vào nhau, cùng chia sẻ trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hòa Bình cho biết: "Hiện trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 200 đối tượng bao gồm người già neo đơn, người khuyết tật, người tâm thần và trẻ em không nơi nương tựa".

Theo ông Tuyên, với các em nhỏ ở đây, sau khi học xong THPT sẽ được trung tâm tạo điều kiện đi học chuyên nghiệp. Nếu không tiếp tục học sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ kinh phí học nghề. 

"Ngoài việc chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho các đối tượng, trung tâm còn theo dõi sức khoẻ hàng ngày cho các đối tượng. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp họ trong các hoạt động phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ" - ông Tuyên nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn