MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Mâm cơm giỗ Bác ngày Tết Độc lập

Nhật Hồ LDO | 02/09/2024 08:22

Mỗi năm, vào dịp 2.9, người dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đều làm mâm cơm giỗ Bác tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng làm mâm cơm giỗ Bác

Câu lạc bộ Thắp hương Đền thờ Bác Hồ ra đời và thắp hương lần đầu vào ngày 6.12.2014. Ông Lê Văn Nghĩa - nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (CCB) xã Châu Thới - nhớ lại: Tháng 11.2014, Bí thư Tỉnh ủy dự Ngày hội đại đoàn kết ấp Bà Chăng A và đề nghị tổ chức thắp hương tại Đền thờ Bác mỗi ngày. Sau đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Châu Thới giao Khối vận và Hội CCB xã tổ chức lực lượng thắp hương Bác, lấy hội viên CCB ấp Bà Chăng A làm nòng cốt và được các CCB đồng tình cao.

Ông Khưu Tam Phước, 74 tuổi, thường gọi Ba Phước, cho biết: “Năm nào cũng vậy, đến ngày này, chúng tôi hùn tiền nấu mâm cơm giỗ Bác. Việc này diễn ra nhiều năm liên tục, ai cũng nhớ nên không cần nhắc”.

Ông Ba Phước nhớ lại, vào năm 2005, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới. Được nghe người dân địa phương thuật lại quá trình lập nơi phụng thờ Bác ngay trước mặt quân thù, Tổng Bí thư đã yêu cầu sắp xếp đưa những người tham gia xây cất Đền thờ Bác trong kháng chiến chống Mỹ ra viếng lăng Bác, thăm Hà Nội và quê hương Bác ở Nghệ An.

Việc thờ cúng Bác Hồ đã trở thành một phong tục của xã Châu Thới. Để tưởng nhớ, ghi ơn lãnh tụ vĩ đại, nhiều gia đình nơi đây làm mâm cơm cúng Bác, như gia đình ông Ba Vĩ, ấp Giồng Bướm A, hay gia đình bà Lê Thị Đầm 83 tuổi, ngụ ấp Bàu Sen… Họ đều là những người từng cầm súng vào sinh ra tử để chống giặc ngoại xâm. Riêng gia đình bà Lê Thị Đầm thờ cúng Bác từ tháng 9.1969 cho đến nay.

Theo bà Lê Thị Đầm, khi hay tin Bác mất, mẹ chồng bà là cụ Phan Thị Trà là người lập bàn thờ Bác bằng chiếc ghế nhổ mạ, đặt cao ngang gian thờ gia tiên. Ngụy quân cho rằng gia đình có người hy sinh nên thường xuyên làm khó, tra hỏi đủ điều. Cụ Trà căn dặn con cháu: “Bác Hồ suốt đời vì dân, lo cho nước, nên phải coi Bác như tổ tiên của mình mà thờ phụng tử tế”.

Ngày giỗ Bác, tất cả con cháu xa gần đều có mặt. Suốt từ đó đến nay đã nửa thế kỷ, việc thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp diễn ở gia đình giàu truyền thống cách mạng này. Lư hương thờ Bác được đặt chính giữa, hai bên là 2 lư hương của người thân trong nhà bà Đầm, phía trên có treo di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tranh sơn dầu. Cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc nên bữa cơm cúng Bác Hồ cũng tươm tất hơn.

Tết độc lập nhớ về Bác

Ông Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa), thương binh hạng 4/4, người suốt 50 năm qua làm đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ kể từ khi Bác qua đời (1969) đến nay vẫn hằng ngày bảo vệ, giữ gìn, thắp hương trong Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới.

Ông Bảy Khoa người gắn bó cả đời mình với Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Bảy Khoa tâm sự: “Đối với bản thân tôi và hàng trăm hộ cán bộ, nhân dân nơi đây, từ trước đến nay luôn tâm niệm: Một mâm cơm, một mâm trái cây giỗ Bác, không chỉ có ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn mà còn là dịp để cùng nhau ôn lại một thời máu lửa và đạn bom, là bài học sống động, thực tế để giáo dục truyền thống của cha ông năm xưa cho thế hệ trẻ hôm nay, về tấm lòng sắt son, thủy chung của mỗi người dân Châu Thới anh hùng này đối với Bác Hồ kính yêu!”.

Đặc biệt, theo nhiều người dân Bạc Liêu, hình ảnh Bác Hồ luôn đặt trang trọng trên bàn thờ uy nghi, linh thiêng trong nhiều gia đình không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với Bác mà còn mang ý nghĩa để Bác dõi theo những việc làm tốt đẹp, sự tiến bộ vươn lên trong làm ăn, học tập, công tác của cán bộ, nhân dân, các cháu học sinh trong mỗi gia đình.

Đó cũng là điều nhắc nhớ hàng ngày đối với mỗi nhiều cán bộ, người dân, học sinh về việc noi gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó sống cho xứng đáng với Bác, với quê hương, đất nước.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, tỉnh Bạc Liêu được xây dựng trên một khuôn viên đất rộng 11.000m2 với các kiến trúc chính như: Ngôi Đền thờ Bác Hồ, Nhà bao che đền, Nhà trưng bày, Hội trường và phòng làm việc, khu dịch vụ và khu vườn được trồng nhiều loại cây xanh. Đặc biệt, trong khuôn viên di tích nổi bật với hồ sen thơm ngát. Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới được đánh giá là một trong những Đền thờ Bác đẹp nhất ở khu vực ĐBSCL.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn