MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mặn mòi nghề muối Cát Minh

Hoài Luân LDO | 11/04/2023 14:19

Sau bao thế hệ gắn liền với nghề muối, đến nay, những cánh đồng muối tại Bình Định ngày càng thu hẹp, bóng dáng diêm dân cũng vắng dần bởi thu nhập ít ỏi và lại càng buồn hơn khi thành quả hoàn toàn phải đặt cược vào trời.

Độc đáo cách làm muối ở Bình Định

Những ngày tháng 4, ngày mà các diêm dân tại làng muối xã Cát Minh (huyện Phù Cát) đang tất bật, hối hả cào, trang, nện và lấy nước mặn để làm ra những hạt muối trắng tinh khôi, phục vụ cho thị trường.

Làng muối xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Ảnh: Hoài Luân 

Nghề làm muối có 2 loại, muối biển và muối mỏ. Muối mỏ khai thác từ mỏ bằng cách bơm nước để có dung dịch muối đậm đặc. Gia nhiệt bốc hơi, rồi lại hòa tan, sau đó tái kết tinh để có muối tinh. Muối mỏ được sản xuất theo quy trình công nghiệp nên độ tinh khiết khá cao, nhất là độ mịn của muối.

Muối biển thì tốn nhiều công sức hơn vì nguyên liệu được lấy từ nước biển. Sau đó, nhờ ánh nắng mặt trời để nước bốc hơi, kết tinh thành muối.

Diêm dân tại xã Cát Minh phải ra ruộng muối lúc mặt trời chưa ló dạng. Ảnh: Hoài Luân 

Để làm ra hạt muối, diêm dân tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát phải trải qua một quá trình lao động miệt mài, bởi quy trình sản xuất muối nhiều công đoạn, rất phức tạp. 

Các diêm dân ở đây bơm trực tiếp từ nguồn nước mặn của giếng khoan, ở độ sâu từ 30-40 m lên ruộng để làm muối. Bởi nồng độ mặn của nguồn nước mặn ngầm đạt 20-30% thay vì độ mặn chỉ khoảng 3,5% của nước biển".

Diêm dân đang cào, trang các ruộng muối để kịp đón nắng trời. Ảnh: Hoài Luân 

Nước mặn sau khi được bơm lên các ruộng muối được phủ bạt sẵn để phơi.

Trải qua những ngày nắng oi bức, muối sẽ được kết tinh và thu hoạch. Nếu muối không đủ "chín", các diêm dân phải tiếp tục bơm thêm nước mặn rồi lại tiếp tục phơi.

Bước cuối cùng của quy trình làm muối là thu hoạch, đây cũng là bước mà các diêm dân đợi chờ nhất.

Việc thu hoạch muối thường diễn ra từ 14-16h. Diêm dân tiến hành cào muối từ ruộng lên và đánh thành gò (gom thành đống) cho khô, sau đó gánh về, bán.

Muối được làm ra tại đây thường được chọn để phục vụ sản xuất nước mắm.

Nghề muối như một canh bạc

Khi mặt trời vừa ló dạng, cũng là lúc bóng dáng của phụ nữ và những người đã đứng tuổi dần rõ trên các ruộng muối.

Được biết, vì thu nhập của nghề muối rất thấp nên thanh niên trai tráng trong làng chẳng có ai ở lại để làm cái nghề vốn là truyền thống ở vùng đất này.

Những gánh muối được các diêm dân đưa lên bờ sau những ngày vất vả đợi chờ. Ảnh: Hoài Luân 

Theo các diêm dân, mỗi năm nguồn thu từ nghề muối chỉ vài chục triệu đồng và lại càng buồn hơn khi phải đặt cược thành quả vào "ông trời" như một canh bạc đỏ đen.

Thời tiết quyết định tất cả thành quả của nghề làm muối. Do đó, có thể nói điều sợ nhất của diêm dân là những đợt mưa giông bất chợt. Bởi chỉ cần một cơn mưa thì công sức bấy nhiêu cũng trôi theo những hạt mưa ngày trái gió trở trời.

Diêm dân xã Cát Minh xem nghề muối như một phần cuộc sống của mình. Ảnh: Hoài Luân 

Chị Hà Thị Vân (42 tuổi, người làm muối tại xã Cát Minh) chia sẻ: Làm cái nghề này, diêm dân luôn thấp thỏm trông trời nhìn đất. Chỉ khi nắng to, nước mặn mới có thể kết tinh để tạo thành muối. Nếu cả ngày trời nắng, đến chiều lại có một đợt mưa giông, không kịp thu muối thì coi như mất trắng.

Nắng là đặc ân của trời để hạt muối trở nên hình hài, hễ trời mưa thì công việc làm muối của các diêm dân ở đây sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, họ chỉ có thể sản xuất muối vào những ngày hè, còn vào mùa mưa thì phải tìm nghề khác làm để kiếm thu nhập.

Mỗi năm, giá muối cũng bấp bênh, không ổn định khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn.

Để làm ra một ruộng muối kết tinh phải tương đương với 5 ruộng nước mặn, muối kết tinh làm ra ở thời điểm hiện tại chỉ có giá từ 50.000 - 80.000 đồng/bao 50 kg.

Ông Vinh (72 tuổi, người làm muối tại xã Cát Minh) chia sẻ: Giờ làm muối ở làng này chỉ còn lại những người già và phụ nữ. Hạt muối được làm ra từ thiên nhiên lại trở nên rẻ bèo từ khi nhiều loại gia vị khác ra đời.

Xã Cát Minh có gần 600 hộ làm muối, với diện tích đưa vào sản xuất khoảng 58 ha. Đối với các diêm dân tại đây, nghề làm muối không còn là nghề mang lại thu nhập chính cho họ, vì thế, nghề làm muối được các diêm dân làm là để lưu truyền.

Ngoài ra, với diêm dân ở đây, nghề làm muối là một phần trong cuộc sống của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn