MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân và du khách thích thú tìm đến tham quan, chụp ảnh tại vườn hoa tam giác mạch. Ảnh: Diễm My

Mang hoa xứ lạnh về trồng, nữ thạc sĩ thúc đẩy du lịch sinh thái Quảng Nam

Diễm My LDO | 20/03/2024 14:31

Mang hoa tam giác mạch từ Hà Giang về Quảng Nam trồng thử nghiệm, mô hình vườn hoa tam giác mạch tại làng sinh thái Cà Ban (xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) của thạc sĩ Triệu Thy Hòa trở thành mô hình tiêu biểu trong phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.

Nằm sát bờ sông Tam Kỳ, vườn hoa tam giác mạch làng sinh thái Cà Ban có tổng diện tích là 1.500m2. Nơi đây trồng 3 loài hoa chủ đạo là tam giác mạch, cánh bướm (sao nhái) và hướng dương.

Mô hình trồng hoa tam giác mạch phục vụ du lịch tại làng sinh thái Cà Ban được thạc sĩ Triệu Thy Hòa - giảng viên trường Đại học Quảng Nam lên ý tưởng và thực hiện. Mô hình thuộc đề án phát triển kinh tế nông nghiệp TP Tam Kỳ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng tới năm 2030.

Thạc sĩ Triệu Thy Hòa tại khu vực trồng hoa sao nhái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo chị Hòa, giống hoa tam giác mạch tại vườn hoa được lấy giống từ cao nguyên đá Hà Giang về nghiên cứu, trồng thử nghiệm tại tỉnh Quảng Nam. Đặc điểm giống hoa thường nở vào tháng 11, 12 hàng năm.

Trước khi mang hạt giống trồng trực tiếp tại vườn vào tháng 1.2024, chị đã phải bắt đầu trồng thử nghiệm tại nhà mình từ tháng 11.2023.

Tuy nhiên, do thời dịp cuối năm thời tiết tại Quảng Nam có mưa lớn kéo dài khiến đất nhão nên hoa không thể trồng đúng vào dịp Tết Nguyên Đán.

Để trồng được hoa tam giác mạch và hướng dương trong điều kiện khí hậu của Quảng Nam, chị Hòa phải nghiên cứu phương pháp xử lý đất và sử dụng phân hữu cơ thay thế cho các loại phân vô cơ thông thường để hoa nở rộ, đẹp hơn.

Hoa tam giác mạch được lấy giống từ Hà Giang về trồng tại Quảng Nam. Ảnh: Diễm My

Thạc sĩ Triệu Thy Hòa cho biết mô hình không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách đến check-in, chụp hình và còn nhằm truyền cảm hứng cho người dân địa phương trong việc tận dụng đất nông nghiệp để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

“Xu hướng nông nghiệp hiện nay là nông nghiệp phục vụ du lịch, phục vụ cộng đồng, mô hình trồng hoa ở làng sinh thái Cà Ban là một trong những mô hình hiệu quả trong việc tận dụng đất nông nghiệp để phát triển du lịch”, chị Hòa cho biết.

Thích thú với vẻ đẹp của vườn hoa, chị Nguyễn Thị Sen (trú Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết tìm đến vườn do biết thông tin từ mạng xã hội. “Nhân dịp về quê mình tranh thủ tìm đến vườn hoa. Mình rất thích vẻ đẹp của hoa cánh bướm (hoa sao nhái) và hướng dương được trồng kết hợp với tam giác mạch. Nơi đây có nhiều địa điểm cho mình tham quan và chụp hình”, chị Sen chia sẻ.

Hiện tại, vườn hoa mở cửa từ 7h sáng đến 18h hằng ngày. Vé vào cổng để tham quan vườn hoa là 10 nghìn đồng người/lượt. Nếu du khách muốn kết hợp trang phục phụ nữ Tây Bắc để chụp hình cùng hoa tam giác mạch sẽ được thuê đồ ngay tại vườn với giá 40 nghìn đồng/ bộ.

Người dân và du khách mặc trang phục Tây Bắc chụp hình cùng hoa tam giác mạch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đó, tháng 4.2023, thạc sĩ Triệu Thy Hòa cũng chính là tác giả nghiên cứu, trồng thành công mô hình vườn cúc họa mi trái mùa ở tổ 2B, khối phố Hương Trà Tây (phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Một số hình ảnh tại vườn hoa:

Người dân mặc áo dài, chụp hình trong vườn hoa. Ảnh: Diễm My
Mỗi bộ đồ cho thuê với giá 40.000 đồng để người dân và du khách chụp ảnh. Ảnh: Diễm My
Du khách chụp hình cùng hoa hướng dương. Ảnh: Diễm My
Vẻ đẹp của hoa cánh bướm (hoa sao nhái) tại vườn hoa. Ảnh: Diễm My

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn