MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Khu đô thị Thanh Hà phải dùng xô, bình để lấy nước sạch về dùng. Ảnh: Anh Huy

Mạng lưới cấp nước Hà Nội lạc hậu trước sự bùng nổ đô thị

Cao Nguyên LDO | 04/11/2023 06:00

Tốc độ đô thị hóa nhanh với hàng loạt khu đô thị mới hình thành đẩy nhu cầu nước sạch tăng cao, trong khi đó, nhiều dự án đầu tư nước sạch chậm tiến độ hoặc không thực hiện khiến cho tình hình cấp nước sạch ngày càng trở nên bức thiết, phức tạp hơn.

Đô thị hóa nhanh, mạng lưới cấp nước bị thiếu

Chuyển đến Hà Nội sinh sống từ năm 1987, bà Nguyễn Thị Cẩm (đường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) cảm nhận rõ về những thay đổi về diện mạo đô thị Thủ đô. Các khu vực vùng ven, như Nghĩa Tân, Trung Yên, Mễ Trì, Hoàng Liệt... là đồng ruộng trước đây, giờ đã lên phường với các tòa nhà cao tầng khang trang, hiện đại.

Tuy nhiên, một số khu đô thị mới, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Tình trạng thiếu nước sạch, nước sinh hoạt vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo kết luận giám sát tình hình cung cấp nước sạch do HĐND thành phố công bố cuối tháng 9, với ngoại thành Hà Nội, nhiều dự án phát triển mạng cấp nước chậm tiến độ, nhà đầu tư không thực hiện. Hệ quả là 139 xã chưa có nguồn nước sạch tập trung.

Cụ thể, dự án nối mạng cấp nước 14 xã, thị trấn thuộc huyện Hoài Đức do Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng hiện chưa xong. Các dự án mạng cấp nước cho nhiều xã ở Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Chương Mỹ, Xuân Mai, Đan Phượng cũng đều trong tình trạng chậm tiến độ hoặc chưa triển khai.

Thậm chí, có một số dự án mạng cấp nước sạch nông thôn chủ đầu tư không thực hiện, như dự án phân phối nước sạch cho 26 xã của huyện Thường Tín, 20 xã thuộc Mỹ Đức, 27 xã ở Ứng Hòa và 17 xã ở Thanh Oai do Công ty Cổ phần Nước Aqua One và Công ty Nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư. Kế hoạch dự án hoàn thành vào năm 2020, nhưng hiện chưa hoàn thiện thủ tục để triển khai.

KTS Trần Huy Ánh - chuyên gia đô thị - cho rằng, quy hoạch đô thị chắp vá khiến quy hoạch về hạ tầng cấp, thoát nước cũng thiếu sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng. Hà Nội mở rộng về phía Tây nhưng không có bất cứ sự chuẩn bị nào về năng lượng, nước sạch, giao thông khiến những tồn tại trở nên phức tạp hơn.

Cải tạo hệ thống mạng lưới truyền dẫn nước

Việc cung cấp nước sạch của thành phố cơ bản phụ thuộc vào các nhà máy nước mặt. Ngoài Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà… thì từ nhiều năm nay, Hà Nội chưa có thêm nhà máy nước nào hoạt động.

GS.TS Nguyễn Việt Anh - Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, kiêm Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam - cho biết, công tác điều tiết nước giữa các khu vực trong thành phố vẫn còn đang thiếu sự chủ động. Đặc biệt mạng lưới cấp nước ở nội đô Hà Nội đã cũ, lạc hậu. Còn ngoại thành chưa đồng bộ.

Để khắc phục tình trạng này, về lâu dài cần cải tạo hệ thống mạng lưới truyền dẫn nước. Trong ngắn hạn, GS Nguyễn Việt Anh đề xuất vào mùa cao điểm, thành phố nên có một Ban điều hành hoạt động cấp nước. Trong đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp cấp nước, chính quyền thành phố lẫn cả người sử dụng.

Trong khi đó, chia sẻ với Lao Động, ông Lê Văn Du - Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, hiện nay sở đang điều tiết, xây dựng tập trung các nhà máy nước theo quy hoạch. Ông Du thừa nhận, dù đã dự trù, nhưng tốc độ phát triển đô thị nhanh, hạ tầng chưa đầu tư đồng bộ, chưa theo kịp.

Cũng theo vị này, dự kiến đến năm 2025, sẽ nâng công suất lên 1,8 triệu m3/ngày đêm và hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu cho cả người dân nội thành, ngoại thành về nước sạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn