MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội nghiên cứu đề xuất xây sân bay tại Ứng Hoà. Ảnh Minh Hiếu

Mạng lưới sân bay cả nước cần được mở rộng

Văn Tiến Nguyên LDO | 13/10/2020 07:04
Việc nhiều địa phương trong thời gian gần đây liên tiếp đề xuất xây dựng sân bay tại địa phương gây lo ngại có thể làm bùng phát một làn sóng “nhà nhà làm sân bay” dễ dẫn đến những hệ lụy như xây xong rồi để đấy, hay sân bay xây xong èo uột hành khách... Các đề xuất này căn cứ theo Bộ GTVT sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia hàng không, việc đề xuất xây dựng sân bay mới cần được tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế, bởi nếu không có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch treo...

Việc nhiều địa phương như Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và mới đây nhất là Hà Nội đề xuất xây dựng các sân bay mới có thể gây lo ngại bùng nổ một làn sóng “lạm phát” sân bay. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng không có thể tăng trưởng 2 lần trong 15 năm tới, hàng không Việt Nam rõ ràng cần một quy hoạch phát triển, trong đó nên bổ sung các sân bay mới.

Vì sao nhà nhà đề xuất xây sân bay?

Sau Bạc Liêu và Cao Bằng, các tỉnh Ninh Thuận và mới đây nhất là Hà Nội vừa chính thức có đề xuất về việc bổ sung các sân bay mới.

Trong số này UBND tỉnh Ninh Thuận cách đây ít ngày vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch sân bay Thành Sơn (TP.Phan Rang - Tháp Chàm) thành cảng hàng không kết hợp phục vụ quân sự và dân dụng. Nếu được quy hoạch đón khách nội địa, Ninh Thuận sẽ nâng cấp để sân bay đạt tiêu chuẩn 4C của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO, đón được tàu bay Fokker70, ATR72, Airbus 321 hoặc tương đương, khai thác các đường bay thương mại tới Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Trước đó vào cuối tháng 9, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc. TP.Hà Nội mới đây nhất cũng đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, song song với việc mở rộng sân bay Nội Bài đạt công suất đến 100 triệu hành khách mỗi năm, dự kiến xây dựng sau năm 2030.

Việc nhiều địa phương trong thời gian gần đây cùng lúc đề xuất bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc được coi là động thái dễ hiểu bởi Bộ GTVT hiện đang giao cho Cục Hàng không Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo nhiều đánh giá, dù đề xuất xây dựng sân bay mới của các địa phương có thể là một trong những cơ sở để cơ quan quản lý xem xét bổ sung vào bản quy hoạch tổng thể đang được xây dựng, tuy nhiên việc có được đưa vào bản quy hoạch này hay không còn phụ thuộc vào quyết định và sự thẩm định của Bộ GTVT dựa trên các kịch bản vận tải hàng không trong tương lai xa (thậm chí kéo dài đến năm 2050), trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cả nước dự kiến có 32 sân bay

Ở thời điểm hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn đang được Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) triển khai, hoàn thiện theo nhiệm vụ được giao.

Đồ án quy hoạch đang được liên danh tư vấn Tedi - ADPi - TDSI xây dựng dẫn đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cho thấy, ngành hàng không thế giới sẽ cần đầu tư xây mới và mở rộng các cảng hàng không hiện hữu để đáp ứng nhu cầu vận tải có thể tăng 2 lần sau 15 năm và dự kiến cần 1.800 tỉ USD cho giai đoạn 2015-2030. Với dự báo này, đồ án đề xuất nâng mạng lưới cảng hàng không cả nước đến năm 2050 lên 32 sân bay với công suất thiết kế dự kiến 322 triệu hành khách đến năm 2030 và mở rộng lên 692 triệu hành khách đến năm 2050.

Đáng chú ý, dù có xem xét và rà soát 8 sân bay mới gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Kon Tum, Đắc Nông, Hà Tĩnh, An Giang, Ninh Thuận và Bạc Liêu, đồ án chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng, Kon Tum và An Giang vào danh sách 32 sân bay dự kiến được quy hoạch đến năm 2050.

Quy hoạch không có nghĩa là được làm ngay

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, Việt Nam có tổng cổng 23 sân bay đi vào hoạt động trong giai đoạn đến năm 2020 và trong số này, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay thứ 23 vừa đi vào hoạt động cuối năm 2018.

Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng Việt Nam đến năm 2030 sẽ xây dựng và đưa thêm 5 sân bay khác vào vận hành khai thác gồm SaPa, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Trị và Long Thành (Đồng Nai). Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 theo đó sẽ đạt khoảng 64 triệu khách hàng và 71 tỉ hành khách luân chuẩn, sẽ được nâng lên khoảng 131 triệu hành khách và 125 tỉ hành khách luân chuyển đến năm 2030. Sản lượng vận tải hàng hóa ở hai thời điểm trên cũng sẽ được nâng từ 570 nghìn tấn lên 1,7 triệu tấn hàng hóa.

Theo các dữ liệu được ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam công bố tại buổi tổng kết hoạt động ngành hàng không năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2019 vận chuyển đạt 54,7 triệu hành khách, tăng 11,4% và 435.000 tấn hàng hóa, tăng 7,6% so với năm 2018. Đối chiếu dữ liệu này với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ có thể nhận thấy, kết quả vận chuyển thực tế của các hãng hàng không trong nước hiện vẫn thấp hơn nhiều sản lượng được quy hoạch đến năm 2020, trong lúc các sân bay - cảng hàng không đều được đưa vào hoạt động khai thác đúng kế hoạch và có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển cao hơn thực tế hiện nay.

Với quy hoạch hệ thống cảng hàng không và sân bay Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng, theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, để có thể triển khai xây dựng công trình đầu tiên phải có quy hoạch và công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch. Do đó, quy hoạch là một trong các cơ sở pháp lý quan trọng, phải hoàn thành trước khi thực hiện bước đầu tư xây dựng công trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn