MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(ảnh minh họa).

Mạng xã hội cũng biến tướng thành báo điện tử

Thế Lâm LDO | 08/11/2019 19:08

Các trang thông tin điện tử tổng hợp (TTĐTTH) là điểm nóng về mặt quản lý trong những năm qua, chính vì thế việc cấp phép cho loại hình trang thông tin này cũng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên trên thực tế, không ít tổ chức doanh nghiệp đã lách sang một ngách khác là thiết lập mạng xã hội…

Theo số liệu thống kê từ Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện cả nước có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép hoạt động.

Tuy nhiên trên thực tế, trong khoảng hơn 55 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội thì đại đa số tập trung vào các mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube, Zalo, Viber, Tik Tok với hàng chục triệu người dùng mỗi mạng.

Trong khi những mạng xã hội lớn và vừa được vận hành, hoạt động và sử dụng theo phương thức mạng xã hội truyền thống (người dùng có tài khoản, đăng các dòng trạng thái, ảnh, kết bạn và tương tác, chia sẻ, bình luận, trao đổi thông tin…) thì một số lượng không ít các mạng xã hội nhỏ hoạt động dưới danh nghĩa các diễn đàn lại biến tướng trở thành các tờ báo điện tử.

Theo quản trị viên một diễn đàn, xét về mặt sản xuất và đăng tải tin bài thì giấy phép thiết lập mạng xã hội sẽ thuận lợi hơn. Là bởi, giấy phép trang TTĐTTH chỉ cho phép dẫn lại tin bài từ nguồn khác chứ không được tự sản xuất, thường như vậy phải có hợp tác với nguồn cung cấp và trả chi phí. Nhiều trang TTĐTTH dẫn nguồn từ các nơi khác không xin phép, vi phạm bản quyền tin tức tràn lan, nếu bị khiếu kiện sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, thậm chí phải bồi thường.

Với giấy phép mạng xã hội, các thành viên được phép viết tin bài và đăng tải. Tuy nhiên, sự biến tướng của rất nhiều các trang mạng xã hội “khoác áo” diễn đàn tại Việt Nam hiện nay là có một số “thành viên chủ chốt” hoạt động tác nghiệp, viết tin bài và được đăng tải như phóng viên báo điện tử. Còn nền tảng trang mạng xã hội thì được thiết kế giao diện như báo điện tử tổng hợp với các chuyên mục, có video, thậm chí cả truyền hình trực tiếp.

Đặc biệt là những mạng xã hội có tính chuyên ngành như công nghệ, xe, mỹ phẩm, sức khỏe… hoạt động kết hợp cả hai loại hình trang TTĐTTH và báo điện tử.

Chưa hết, có những trang Facebook cá nhân, những nhóm kín và công khai trên Facebook, trong nhiều thời điểm cũng "báo hóa" với những thông tin, bài viết được truyền tải ảnh hưởng đến các cá nhân và doanh nghiệp; hoặc giả mạo trang của các chính trị gia đưa ra thông tin lệch lạc, tin giả...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam - cho rằng, những trường hợp đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên không gian mạng, có thể bị xử lí theo các mức độ hành chính hoặc hình sự. 

Tình trạng mạng xã hội “biến tướng” thành báo điện tử như thế đã từng được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhận định rằng đó thực chất là hoạt động báo điện tử không phép, gây nhầm lẫn cho người đọc và doanh nghiệp.

Không dừng lại ở đó, những mạng xã hội chuyên về đa phương tiện, thể thao, phim ảnh… còn nảy sinh tình trạng livestream các chương trình có bản quyền, vi phạm bản quyền khi tường thuật các giải bóng đá. Điển hình vào các thời điểm World Cup 2018, Giải U23 Châu Á 2018, AFF Cup, tình trạng vi phạm bản quyền phát sóng các giải bóng đá tập trung rất nhiều vào những trang mạng xã hội được khá nhiều người biết tới.

Nhiều diễn đàn đang hoạt động biến tướng sang loại hình báo điện tử (ảnh minh họa/nguồn:makeforum.org).

Thậm chí, các trang mạng xã hội còn cung cấp các dịch vụ xem truyền hình trực tuyến, nghe nhạc trực tuyến, bán các loại hàng hóa… mà không có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Công thương.

Với những trang mạng xã hội cũng có xu hướng “báo hóa” chủ yếu tập trung vào sản xuất tin bài, việc quản lí thông tin người dùng (thành viên) cũng được chăng hay chớ. Khá phổ biến hiện nay là tình trạng cho dùng tài khoản Facebook, Google để truy cập, hoặc thông qua số thuê bao điện thoại. Khi ấy, việc lưu trữ dữ liệu, thông tin người dùng cũng bất cập, không được định danh rõ ràng.

Theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, theo quy định, tất cả các trang mạng xã hội phải lưu thông tin người dùng nhưng trên thực tế rất ít trang thực hiện hoặc lưu trữ mang tính đối phó vì chi phí lưu trữ lớn, chỉ có những trang mạng có nền tảng tài chính tốt mới triển khai đầy đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn